Các mức xử phạt hành vi làm nhục người khác

Thời gian qua, nhiều vụ án bị khởi tố hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính bắt nguồn từ việc “đánh ghen” dẫn tới làm nhục người khác. Hành vi làm nhục người khác sẽ bị xử lý thế nào?

Thế nào là làm nhục người khác

Theo khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Từ điển bách khoa Việt Nam và Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa: Danh dự là phạm trù đạo đức chỉ lòng tôn trọng của con người trong mọi cử chỉ, hành vi của mình; nhân phẩm là phẩm chất và giá trị con người.

Hành vi làm nhục người khác có mối quan hệ chặt chẽ với danh dự và nhân phẩm con người. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015:

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình[…]

Như vậy, làm nhục người khác là hành vi trái pháp luật, xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Xem thêm: Phân biệt Vu khống và Làm nhục người khác

Các mức xử phạt hành vi làm nhục người khác

Làm nhục người khác là hành vi trái pháp luật (Ảnh minh họa)


Làm nhục người khác bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xử phạt hành chính

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"

- Xử lý hình sự

Nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

LuatVietnam
 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục