Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra trào lưu chế ảnh người khác để câu like. Thế nhưng, ít ai biết rằng, việc chế ảnh bôi nhọ người khác sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc. Vậy chế ảnh bôi nhọ người khác bị phạt thế nào?
Chế ảnh bôi nhọ người khác bị phạt thế nào?
Với những công cụ chỉnh sửa, biên tập lại ảnh, không khó để cư dân mạng có thể tung lên Facebook những hình ảnh chế bôi nhọ người khác một cách vô tư, thoải mái dựa theo những sự kiện nóng xảy ra.
Vô hình chung, hành động đó trở thành một trào lưu được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, việc chế ảnh bôi nhọ người khác đã vi phạm pháp luật.
Xử phạt vi phạm hành chính
Cụ thể, theo điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu sửa chữa, ghép ảnh chụp làm sai lệch nội dung nhằm xâm phạm danh dự và nhân phẩm cá nhân.
Nếu cá nhân đó là vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa thì mức xử phạt là 40 - 50 triệu đồng (theo điểm b khoản 6 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
Nếu người vi phạm đăng hình ảnh sai sự thật này lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân thì bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Chịu trách nhiệm hình sự
Nếu mức độ vi phạm của hành vi chế ảnh bôi nhọ người khác nghiêm trọng đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì người này có thể phải ngồi tù về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, người phạm tội có thể đối mặt với các mức án phạt tù như sau:
- Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác.
- Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm: Phạm tội từ hai lần trở lên, với hai người trở lên, lợi dụng chức vụ hoặc quyền hạn để phạm tội; phạm tội với người đang làm nhiệm vụ công vụ…
- Phạt tù từ 02 - 05 năm: Làm nạn nhân tự sát ghoặc làm nạn nhân bị rối loạn tâm thần, hành vi mà tỷ lệ tổn thương là từ 61% trở lên
- Cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 - 05 năm
Bị đặt điều, nói xấu trên Facebook, phải làm gì?
Ngoài thông tin, chế ảnh bôi nhọ người khác bị phạt thế nào, cùng theo dõi bài viết để biết thêm những cách có thể áp dụng trong trường hợp mình là nạn nhân của vụ việc này.
Bởi khi một người “chế” ảnh người khác để xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người đó. Đây là quyền được pháp luật bảo vệ theo Điều 34 Bộ luật Dân sự.
Khi gặp phải trường hợp như thế, nạn nhân có thể gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu bồi thường gồm các khoản:
- Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
- Một khoản chi phí bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng không quá 18 triệu đồng bởi căn cứ để tính mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa là không quá 10 tháng lương cơ sở. Từ ngày 01/7/2023 trở đi, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.
Do đó, mức bồi thường tổn thất tinh thần là 18 triệu đồng hoặc theo thỏa thuận của các bên.
- Thiệt hại khác.
Đồng thời, nạn nhân còn có thể yêu cầu người vi phạm cải chính thông tin sai sự thật.
Trên đây là thông tin về việc: Chế ảnh bôi nhọ người khác bị phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.