“Bắt vợ” là một nét văn hóa có từ lâu đời của người dân tộc H’mông… Tuy nhiên, ngày nay nét văn hóa truyền thống này có nhiều biến tướng khôn lường. Vậy các hành vi vi phạm pháp luật của hủ tục bắt vợ bị phạt thế nào?
Hủ tục bắt vợ - cưỡng ép kết hôn
Bắt vợ là một nét truyền thông văn hóa lâu đời đặc trưng trong hôn nhân của người dân tộc H’mông, Thái… Theo đó, một người con trai sẽ “bắt” người con gái mà mình yêu thương về làm vợ.
Tuy nhiên, hiện nay, tục “bắt vợ” có rất nhiều biến tướng với các hành vi vi phạm pháp luật đáng lên án. Nhiều người lợi dụng điều này, bắt ép các cô gái phải đồng ý kết hôn với mình. Thậm chí, có nhiều bé gái chưa đủ 18 tuổi cũng là nạn nhân của hủ tục này.
Cưỡng ép kết hôn bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa)
Hình phạt của Tội cưỡng ép kết hôn
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc kết hôn phải do nam nữ tự nguyện quyết định. Hành vi cưỡng ép kết hôn là một trong những hành vi bị pháp luật cấm theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo đó, đối với hành vi hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc các thủ đoạn khác để cưỡng ép người khác kết hôn thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu hành vi cưỡng ép kết hôn đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình tái phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 thì nếu người nào có hành vi như trên sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Trong những trường hợp này, người bị cưỡng ép kết hôn có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị các cá nhân, tổ chức sau đây yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật:
- Cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em
- Hội liên hiệp phụ nữ