Dùng biên bản xử phạt thay cho bằng lái xe?
Theo khoản 2 Điều 78 Nghị định 46 của Chính phủ, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.
Cần lưu ý không nhầm lẫn giữa tạm giữ giấy tờ xe để đảm bảo thi hành án phạt khác với tước Giấy phép lái xe là biện pháp xử phạt bổ sung (không được phép lái xe trong thời hạn bị tước Giấy phép).
Khi bị tạm giữ giấy tờ theo khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vi phạm ghi trong biên bản, người vi phạm chưa đến giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Như vậy chỉ trong thời hạn đến hẹn giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản vi phạm mới thay thế được giấy tờ có liên quan trong đó có Giấy phép lái xe. Nếu quá thời hạn hẹn giải quyết sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Có được dùng biên bản xử phạt thay cho bằng lái xe? (Ảnh minh họa)
Mức phạt khi không có Giấy phép lái xe
Mức phạt với hành vi không có giấy tờ đối với mô tô, xe máy cụ thể như sau:
- Không có Giấy phép lái xe, điều khiển xe dưới 175cm3: Phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng (điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP);
- Không có Giấy phép lái xe, điều khiển xe từ 175cm3 trở lên: Phạt từ 4 - 6 triệu đồng (điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP);
- Không có Giấy đăng ký xe: Phạt từ 300.000 - 400.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 46/2016/NĐ-CP);
- Không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Phạt từ 80.000 - 120.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Các mức phạt vi phạm giao thông 2019 theo Nghị định 46