Đánh ghen vợ ngoại tình, tại sao tôi bị phạt tiền?

Có nhiều người đánh ghen khi vợ/chồng mình ngoại tình nhưng lại bị phạt thậm chí còn vướng vào vòng lao lý. Vậy vì sao lại thế? Đánh ghen vợ ngoại tình bị phạt thế nào?

1. Đánh ghen vợ ngoại tình bị phạt thế nào?

Không chỉ có đàn ông ngoại tình mà phụ nữ ngoại tình cũng không hiếm gặp trong đời sống hiện nay. Biện pháp mà vợ, chồng lựa chọn khi phát hiện nửa kia có quan hệ ngoài luồng với người khác thường là đánh ghen.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, nếu đánh ghen “không đúng luật”, rất có thể người đánh ghen sẽ bị phạt hành chính hoặc thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

1.1 Chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm

- Xử phạt hành chính: Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoại tình, nhiều người đã không thể kiềm chế được tính tình của mình dẫn đến nhiều hành vi đánh ghen quá khích ví dụ như miệt thị, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bồ của chồng, vợ mình một cách nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhân phẩm, danh dự của một người được pháp luật bảo hộ, không ai được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính:

  • Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng: Vi phạm với bồ của vợ, chồng mình theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng: Vi phạm với chính vợ hoặc chồng mình - người có hành vi ngoại tình theo khoản 1 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Vi phạm với thành viên trong gia đình nhưng trên môi trường mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) theo điểm b khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2020/NĐ-CP.

- Chịu trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, khi vi phạm đến mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự, vợ/chồng đi đánh ghen bằng cách xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự hiện đang có hiệu lực.

STT

Mức phạt tù

Hành vi

1

- Phạt cảnh cáo

- Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng

- Cải tạo không giam giữ đến 03 năm

Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác.

2

03 tháng - 02 năm tù

- Phạm tội 02 lần trở lên,

- Phạm tội với 02 người trở lên,

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn,

- Phạm tội với người đang thi hành công vụ,

- Phạm tội với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình,

- Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc phương tiện điện tử để phạm tội,

- Làm nạn nhân bị rối loạn tâm thần và có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%.

3

02 - 05 năm tù

- Làm nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi với tỷ lệ tổn thương cơ sở từ 61% trở lên.

- Khiến nạn nhân tự sát.

4

Bổ sung

Bị cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm

1.2 Đánh ghen bằng bạo lực, gây mất trật tự công cộng

Không chỉ xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, nhiều người khi đi đánh ghen còn sử dụng bạo lực để đánh đập người tình của vợ/chồng mình. Những hành vi này đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ phải chịu chế tài.

Tuỳ từng hành vi vi phạm khi đánh ghen sẽ chịu mức phạt khác nhau
Tuỳ từng hành vi vi phạm khi đánh ghen sẽ chịu mức phạt khác nhau (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể:

- Xử phạt vi phạm hành chính:

  • Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng: Vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng: Thuê người khác đánh ghen ảnh hưởng đến sức khoẻ của bồ của vợ/chồng theo điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 05 - 08 triệu đồng: Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ của người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng: Đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình (vợ, chồng…) theo khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Sử dụng dao, gậy… để gây thương tích cho người khác theo điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

- Chịu trách nhiệm hình sự: Nếu việc đánh ghen đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích cho người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

Nói tóm lại, nếu đánh ghen nhưng sử dụng các biện pháp vi phạm pháp luật thì người đánh ghen có thể sẽ đối mặt với việc bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, khi vợ, chồng nếu ngoại tình, chồng, vợ cũng phải hết sức tỉnh táo khi đánh ghen để không mất tiền oan hoặc vướng vào vòng lao lý.

2. Vợ/chồng ngoại tình, phải làm sao?

Nếu người bạn đời có hành vi ngoại tình thì khó có người vợ, người chồng nào có thể tha thứ.

Bởi ngoại tình đồng nghĩa với việc vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong cuộc sống hôn nhân và gia đình được nêu tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu người vợ, chồng sống chung với người khác như vợ chồng thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh.

Xem chi tiết mức phạt: Cặp bồ với người có gia đình, mức phạt thế nào?

Vợ chồng làm gì khi chồng vợ cặp bồ

Do đó, nếu chẳng may vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì chồng, vợ có thể thực hiện những điều sau đây:

- Tố cáo về việc sống chung với người khác như vợ chồng trong khi đang có vợ, chồng: Khi tố cáo với cơ quan công an nơi người này đang cư trú, người ngoại tình có thể sẽ bị phạt tiền đến 05 triệu đồng theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP hoặc có thể đi tù đến 03 năm về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, để được cơ quan công an tiếp nhận yêu cầu tố cáo, người vợ, chồng phải gửi kèm bằng chứng chứng minh chồng, vợ mình có hành vi sống chung với người khác như vợ chồng: Sống chung công khai, có con chung, có tài sản chung…

- Yêu cầu Toà án ly hôn đơn phương: Nếu không thể sống chung với người vợ, người chồng ngoại tình, chồng, vợ có thể khởi kiện ly hôn đơn phương tại Toà án nhân dân nơi người ngoại tình cư trú hoặc làm việc.

Khi chứng minh được người này ngoại tình (kèm theo chứng cứ chứng minh rõ ràng, cụ thể…), người bị vợ, chồng cắm sừng có thể được chia tài sản nhiều hơn hoặc có thể giành được quyền nuôi con.

Xem chi tiết các quy định liên quan đến việc ly hôn với người ngoại tình: Nghi ngờ vợ ngoại tình, làm sao để ly hôn nhanh?

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Đánh ghen vợ ngoại tình bị phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục