Cách đây 36 năm (năm 1946), ngày 20/11 được lấy là ngày Nhà giáo Việt Nam – ngày tôn vinh những người làm “nghề cao quý nhất trong số những nghề cao quý”. Nhân dịp 20/11/2018, hãy cùng LuatVietnam điểm lại những quyền lợi dành cho giáo viên theo quy định của pháp luật.
1 - Chỉ làm việc 42 tuần mỗi năm
Nếu mỗi năm có khoảng 52 – 53 tuần, thì giáo viên từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông chỉ làm việc 42 tuần/năm. Trong đó, có khoảng 35 - 38 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục khác, các tuần còn lại dành cho việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học… Đây là quy định tại Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017.
Như vậy, mỗi năm giáo viên cấp phổ thông sẽ có khoảng 10 tuần là thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tết, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác. Đây là một quyền lợi đặc biệt của giáo viên mà không phải công chức, viên chức hay người lao động nào cũng được hưởng.
Giáo viên được hưởng một số quyền lợi nhất định (Ảnh minh họa)
2 - Được hưởng phụ cấp ưu đãi
Giáo viên giảng dạy trong các trường công lập sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD-BNV-BTC, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT.
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi là 25 – 50%, tùy từng đối tượng giáo viên và địa bàn công tác; mức lương cơ sở hiện nay là 1,39 triệu đồng/tháng.
3 - Ưu tiên xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương
Với ý nghĩa to lớn của nghề giáo, tại Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Nội dung này cũng từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, tuy nhiên, vấp phải ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành khác, do đó, hiện nay đây vẫn mới chỉ là chủ trương chung từ phía Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Xem thêm: Bảng lương giáo viên mới nhất hiện nay.
Ngoài ra, cũng theo Nghị quyết 29-NQ/TW, sẽ có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao.
4 - Được bảo vệ tuyệt đối về danh dự, sức khỏe
Theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm giáo viên; xâm phạm sức khỏe, tính mạng của giáo viên đều chịu mức xử phạt nghiêm khắc.
Khoản 2 Điều 19 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể giáo viên.
Trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự 2015, hành vi giết thầy cô giáo của mình là một tình tiết tăng nặng trong tội Giết người (điểm đ, khoản 1, Điều 123); hành vi cố ý gây thương tích cho thầy cô giáo của mình cũng là một tình tiết tăng nặng trong tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điểm g, khoản 1, Điều 134).
LuatVietnam