Quy tắc chung về trang phục của công chức
Luật Cán bộ, công chức hiện hành không đề cập đến cách ăn mặc của công chức. Tuy nhiên, nội dung này được quy định trong Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 129/2007/QĐ-TTg.
Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Nếu có trang phục riêng phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cán bộ, công chức còn có lễ phục (trang phục chính sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài). Cụ thể, lễ phục của nam giới là bộ comple, áo sơ mi, caravat và với nữ giới là áo dài truyền thống và bộ comple nữ…
Công chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự khi đi làm (Ảnh minh họa)
Từng ngành, địa phương có yêu cầu riêng về trang phục
Ngoài nguyên tắc chung nêu trên, mỗi ngành, địa phương lại có quy định riêng về việc công chức phải ăn mặc thế nào khi đi làm, tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể từng công chức.
Như, với công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, phải mặc áo sơ mi màu trắng, quần xanh đen, đi giày da màu đen, dép quai hậu đối với nam; nữ giới phải mặc sơ mi trắng, váy juýp dáng ôm, đi giày da màu đen… (theo Thông tư 03/2016/TT-TTCP).
Với công chức tại TP. Hồ Chí Minh, khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc quần tây, áo sơ mi với nam; mặc quần tây, váy dài (chiều dài tối thiểu ngang đầu gối), áo sơ mi (có tay), comple, áo dài truyền thống đối với nữ. Ngoài ra, đầu tóc phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu (theo Quyết định 67/2017/QĐ-UBND).
Với công chức tại Hà Nội, trong Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức thủ đô không yêu cầu cụ thể về trang phục, nhưng quy định phải mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng. Ngoài ra, phải đeo, cài thẻ tên, phù hiệu, thẻ chức danh (theo Quyết định 522/QĐ-UBND).
Xem thêm:
Cách tính lương, phụ cấp của cán bộ, công chức từ 1/7/2019
Lan Vũ