Thương binh khi chết được hưởng chế độ gì?

Thương binh, liệt sĩ là những người có công cách mạng, vì vậy Nhà nước dành nhiều chế độ ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ cũng như thân nhân của họ. Vậy thương binh khi chết được hưởng chế độ gì?

1. Thương binh khi chết được hưởng chế độ gì?

Thương binh khi chết được hưởng chế độ gì
Thương binh khi chết được hưởng chế độ gì? (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14, thương binh khi chết thì thân nhân được hưởng các chế độ sau đây:

- Trợ cấp tuất đối với thân nhân của những thương binh tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết, thuộc các trường hợp dưới đây:

  • Cha/mẹ đẻ, vợ/chồng đủ tuổi nghỉ hưu theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, con chưa đủ 18 tuổi hoặc đã đủ 18 tuổi trở lên mà còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng/khuyết tật đặc biệt thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

  • Cha/mẹ đẻ sống cơ đơn, vợ/chồng đã đủ tuổi nghỉ hưu theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 sống cổ đơn và con mồ côi cả cha lẫn mẹ mà chưa đủ 18 tuổi hoặc đã đủ 18 tuổi trở lên mà còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng/khuyết tật đặc thiệt thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng thân nhân hàng tháng.

- Trợ cấp một lần cho thân nhân với mức bằng 03 tháng mức trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng hiện được hưởng khi thương binh đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết.

- Trợ cấp mai táng cho người/tổ chức thực hiện việc mai táng khi thương binh đang được hưởng trợ cấp hàng tháng chết.

Ngoài ra, thân nhân của thương binh được hưởng chế độ BHYT theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 thì khi thương binh chết vẫn sẽ tiếp tục được hưởng chế độ này.

2. Thương binh hạng 3 mất, thân nhân có được hưởng chế độ ưu đãi tử tuất không?

Hiện nay không có quy định cụ thể về thương binh hạng 3, tuy nhiên dựa trên tinh thần của Nghị định số 236-HĐBT (hiện đã hết hiệu lực) thì thương binh hạng 3 được hiểu là: Thương binh mất từ 41 - 60% sức lao động do thương thật và mất khả năng lao động mức trung bình.

Tuy nhiên, tại nội dung phân tích ở mục 1 nêu trên và khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020 thì thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân mới được nhận tiền trợ cấp tử tuất hàng tháng.

Do đó, thương binh hạng 3 (suy giảm từ 41 - 60% sức lao động) thì thân nhân không được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng.

3. Vợ của thương binh có còn được hưởng ưu đãi BHYT khi thương binh mất không?

Vợ của thương binh có còn được hưởng ưu đãi BHYT khi thương binh mất không?
Vợ của thương binh có còn được hưởng ưu đãi BHYT khi thương binh mất không? (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 về chế độ ưu đãi cho thân nhân của thương binh, cụ thể chế độ ưu đãi về BHYT được áp dụng đối với:

- Che/mẹ đẻ, vợ/chồng, còn từ đủ 06 tuổi - chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi mà còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng/khuyết tật đặc biệt của thương binh tỷ lệ thương tổn cơ thể từ 61% trở lên.

- Người phục vụ cho thương binh có tỷ lệ thương tổn từ 81% trở lên sống ở gia đình.

Theo đó, pháp luật chỉ quy định vợ của thương binh có tỷ lệ thương tổn từ 61% trở lên thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi về BHYT mà không phân biệt thương binh còn sống hay đã chết.

Do đó, vợ của thương binh vẫn sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi BHYT khi thương binh mất.

4. Thủ tục hưởng chế độ khi thương binh chết

*Thủ tục hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng khi thương binh chết:

Theo Điều 124 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thủ tục để được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng khi thương binh tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên chết thực hiện như sau:

Bước 1: Thân nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gửi cho UBND cấp xã nơi thương binh thường trú trước khi chết gồm các giấy tờ:

- Bản khai để được giải quyết chế độ ưu đãi khi người có công từ trần (sử dụng mẫu số 12 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP).

- Giấy báo tử/trích lục khai tử (bản sao y).

Bước 2: UBND cấp xã trong vòng 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, có trách nhiệm thực hiện:

- Xác nhận bản khai.

- Cấp giấy xác nhận trong trường hợp sống cô đơn/không còn thân nhân.

- Với con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi mà không có thu nhập hằng tháng hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn thì thực hiện Cấp giấy xác nhận thu nhập và giấy xác nhận tình trạng khuyết tật.

- Gửi hồ sơ trên đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thương binh thường trú trước khi chết.

Bước 3: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và lập danh sách các trường hợp đáp ứng điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (là nơi quản lý hồ sơ).

Bước 4: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong vòng 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu và ghép hồ sơ người có công mà đơn vị đang quản lý với hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp tuất để ban hành quyết định trợ cấp.

*Thủ tục hưởng chế độ trợ cấp một lần khi thương binh chết:

Theo Điều 123 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thủ tục để được hưởng trợ cấp một lần khi thương binh tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên chết thực hiện như sau:

Bước 1: Thân nhân của thương binh có trách nhiệm: Lập bản khai áp dụng Mẫu số 12 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 131/2021/NĐ-CP kèm theo giấy báo tử/trích lục khai tử (bản sao y) gửi cho UBND cấp xã nơi quản lý hồ sơ của thương binh

Bước 2: UBND cấp xã trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm xác nhận bản khai, đồng thời lập danh sách gửi cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 3: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, đồng thời lập danh sách kèm theo hồ sơ và gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 4: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong vòng 12 ngày tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm ban hành quyết định về việc chấm dứt chế độ đối với thương binh theo Mẫu số 72 của Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 131/2021/NĐ-CP và quyết định về việc giải quyết trợ cấp một lần theo Mẫu số 74 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 131/2021/NĐ-CP; đồng thời thực hiện việc ghép, lưu hồ sơ.

*Thủ tục hưởng chế độ trợ cấp mai táng khi thương binh chết:

Theo Điều 122 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thủ tục để được hưởng trợ cấp mai táng khi thương binh tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên chết thực hiện như sau:

Bước 1: Cá nhân/tổ chức thực hiện mai táng cho thương binh có trách nhiệm lập bản khai theo Mẫu số 12 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP kèm theo giấy báo tử/trích lục khai tử (bản sao y) gửi cho UBND cấp xã nơi quản lý hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cấp giấy báo tử của thương binh.

Bước 2: UBND xã trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm xác nhận bản khai, đồng thời lập danh sách gửi cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 3: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và lập danh sách kèm theo hồ sơ gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 4: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong vòng 12 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ có trách nhiệm ban hành quyết định về việc chấm dứt chế độ ưu đãi đối với thương binh theo Mẫu số 72 của Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 131/2021/NĐ-CP và quyết định về việc giải quyết trợ cấp một lần theo Mẫu số 74 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 131/2021/NĐ-CP; đồng thời thực hiện việc ghép, lưu hồ sơ.

Trên đây là những thông tin về Thương binh khi chết được hưởng chế độ gì?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục