Văn bản công chứng có thời hạn bao lâu? Khi nào hết hạn?

Thời hạn có hiệu lực của văn bản công chứng là vấn đề mà rất nhiều độc giả thắc mắc khi ngày nay, các giao dịch, hồ sơ phải thực hiện qua công chứng rất nhiều. Vậy văn bản công chứng bao lâu hết hạn?

 

Công chứng bao lâu hết hạn?

Để trả lời câu hỏi, công chứng bao lâu hết hạn, trong bài sẽ giải thích thời hạn có hiệu lực của cả văn bản công chứng hợp đồng, giao dịch và văn bản chứng thực từ bản chính giấy tờ, tài liệu. Cụ thể:

Văn bản công chứng

Về thời gian có hiệu lực của văn bản công chứng, Luật Công chứng hiện đang có hiệu lực không có quy định cụ thể về vấn đề này mà chỉ nêu thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản công chứng.

Cụ thể, khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 quy định, văn bản công chứng bắt đầu có hiệu lực từ ngày công chứng viên ký tên, đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản này.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 64 Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định, bản chính của văn bản công chứng (hợp đồng, giao dịch được công chứng) và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng (giấy tờ về quyền nhân thân, giấy tờ về tài sản…) sẽ được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng).

Như vậy, hiện nay, không có quy định về thời hạn có hiệu lực của công chứng. Việc văn bản công chứng có thời hạn bao lâu phụ thuộc vào thoả thuận của các bên trong nội dung văn bản hoặc có thể hiểu là vô thời hạn khi các bên không có thoả thuận khác, pháp luật không có quy định khác.

Có thể kể đến một số loại văn bản công chứng có thời hạn nhất định gồm:

- Hợp đồng uỷ quyền: Hiệu lực theo thoả thuận của các bên. Nếu không có thoả thuận và pháp luật cũng không có quy định thì hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền là 01 năm (theo Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Hợp đồng thuê nhà: Thời hạn hợp đồng thuê nhà theo thoả thuận của các bên…

Văn bản sao y chứng thực

Hiện Nghị định 23/2015/NĐ-CP không quy định thời hạn chứng thực sao y bản chính là bao lâu. Đồng nghĩa, có thể hiểu, bản sao y chứng thực từ bản chính có giá trị không thời hạn trừ một số trường hợp bản chính có thời hạn, có thể kể đến một số ví dụ dưới đây:

- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp khi nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam phải cấp trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp hoặc không quá 06 tháng khi làm thủ tục xin nhận con nuoi trong nước.

- Chứng minh nhân dân chỉ có thời hạn trong vòng 15 năm kể từ ngày cấp. Sau khi hết 15 năm, Chứng minh nhân dân không còn giá trị sử dụng.

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có thời hạn xác nhận cho đến khi người yêu cầu xin cấp giấy xác nhận mới nếu tình trạng hôn nhân của người này đã thay đổi hoặc công việc được dùng để xin xác nhận tình trạng hôn nhân đã thực hiện…

Như vậy, có thể thấy, văn bản công chứng, chứng thực không có quy định cụ thể về thời gian sử dụng. Do đó, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để xác định thời hạn có giá trị của văn bản này.

công chứng bao lâu hết hạn
Bạn đã biết, văn bản công chứng bao lâu hết hạn? (Ảnh minh hoạ)

Công chứng văn bản, hợp đồng có lâu không?

Văn bản công chứng

Để thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng năm 2014 đã quy định, thời hạn thực hiện là trong khoảng từ 02 - 10 ngày. Trong trường hợp bình thường, thời hạn là không quá 02 ngày làm việc. Nếu nội dung hợp đồng, giao dịch phức tạp thì sẽ kéo dài đến không quá 10 ngày làm việc.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong thực hiện, thời gian thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch có thể hoàn thành ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, đầy đủ.

Văn bản sao y chứng thực

Không giống công chứng hợp đồng, giao dịch cần phải có thời gian thực hiện và xác minh giấy tờ, hướng dẫn người yêu cầu thực hiện ký tên vào tất cả các trang của hợp đồng, giấy tờ, tài liệu sẽ được thực hiện ngay trong ngày làm việc hoặc nếu tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ thì sẽ giải quyết trong ngày làm việc tiếp theo.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Công chứng bao lâu hết hạn? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(6 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục