1. Công chứng là gì?
Công chứng là thủ tục được định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014.
Cụ thể, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch về chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch cũng như tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của các thoả thuận ghi trong hợp đồng, giao dịch đó.
Trong đó, công chứng viên là người phải đáp ứng các điều kiện của Luật Công chứng, là thành viên của tổ chức hành nghề công chứng gồm phòng công chứng và văn phòng công chứng. Cụ thể, điều kiện để trở thành công chứng viên được nêu chi tiết tại Điều 8 Luật Công chứng như sau:
- Có bằng cử nhân luật.
- Đã công tác pháp luật từ 05 năm trở lên sau khi đã có bằng cử nhân luật.
- Tốt nghiệp khoá đào tạo nghề công hcứng hoặc hoàn thành khoá bồi dưỡng nghề công chứng.
- Thi tập sự hành nghề công chứng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả này.
- Có đầy đủ sức khoẻ để thực hiện công việc công chứng.
2. Công chứng có thời hạn bao lâu?
Trước hết cần phải khẳng định, luật không quy định cụ thể về thời hạn của văn bản công chứng. Do đó, để xác định công chứng có thời hạn bao lâu, độc giả cần căn cứ vào thoả thuận của các bên được ghi nhận trong hợp đồng, giao dịch.
Có chăng chỉ có quy định tại Điều 5 Luật Công chứng về thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản công chứng hợp đồng, giao dịch:
1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, quy định này chỉ giới hạn thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng là từ khi công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng nhằm chứng nhận tính hợp pháp, đúng đắn vào văn bản công chứng thì nó được xem là có hiệu lực.
Đồng thời, hiện khoản 2 Điều 64 Luật Công chứng năm 2014 có quy định việc lưu giữ văn bản công chứng hợp đồng, giao dịch được thực hiện trong vòng 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng hoặc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu được Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở tổ chức này đồng ý.
Hay nói cách khác, hiện không có quy định cụ thể giới hạn thời hạn có hiệu lực của văn bản công chứng mà thời hạn này được thực hiện theo thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của luật. Có thể ví dụ như hợp đồng uỷ quyền.
Cụ thể, căn cứ Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng uỷ quyền sẽ có thời hạn theo thoả thuận của các bên. Nếu không có thoả thuận thì hiệu lực của hợp đồng này là 01 năm.
3. Văn bản công chứng có giá trị pháp lý thế nào?
Ngoài thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng, khoản 2, khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Cụ thể như sau:
- Các bên liên quan có nghĩa vụ thi hành hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Nếu một trong các bên có nghĩa vụ mà không thực hiện nghĩa vụ thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Hợp đồng, giao dịch đã được công chứng có giá trị chứng cứ và các tình tiết, sự kiện được thoả thuận, ghi nhận trong hợp đồng, giao dịch đã được công chứng không cần phải chứng minh trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Như vậy, văn bản công chứng có giá trị như một chứng cứ và khi các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch qua công chứng thì sẽ được đảm bảo giá trị pháp lý, các tình tiết không cần phải chứng minh trừ trường hợp đã bị tuyên là vô hiệu bởi Toà án.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Công chứng có thời hạn bao lâu? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết.