Công chứng mất bao lâu? Công chứng nhanh cần điều kiện gì?

Thời gian giải quyết việc công chứng hợp đồng, giao dịch là vấn đề mà nhiều độc giả của LuatVietnam quan tâm. Vậy công chứng mất bao lâu? Nếu muốn đẩy nhanh việc công chứng, cần có điều kiện gì?

 

1. Thời gian công chứng mất bao lâu?

Khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ, thời hạn công chứng là không quá 02 ngày làm việc. Riêng những loại hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp mà công chứng viên cần phải xác minh, tìm hiểu, làm rõ thêm thì thời hạn công chứng có thể kéo dài không quá 10 ngày làm việc.

Theo quy định này, câu trả lời cho câu hỏi “công chứng mất bao lâu” là từ 02 - 10 ngày làm việc tuỳ vào từng tính chất (phức tạp hay không phức tạp) của hợp đồng, giao dịch đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thời hạn công chứng này được tính từ ngày thụ lý hồ sơ đến ngày trả kết quả công chứng (trả hợp đồng, giao dịch đã được công chứng). Và thời hạn này không áp dụng với một số công việc cụ thể liên quan đến các giao dịch, hợp đồng sau đây:

- Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế: Thời hạn công chứng không áp dụng với việc niêm yết công khai thông báo về việc phân chia/khai nhận di sản thừa kế tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất hoặc nơi người để lại di sản cư trú cuối cùng.

- Hợp đồng, giao dịch: Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

- Công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản: Thời gian dịch giấy tờ, văn bản đó từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam hoặc ngược lại.

2. Công chứng nhanh cần điều kiện gì?

Mặc dù thời hạn công chứng được quy định là từ 02 - 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế, các hợp đồng, giao dịch thường sẽ được công chứng ngay sau khi được thụ lý hồ sơ.

Đáng chú ý, những yếu tố ảnh hưởng đến việc công chứng mất bao lâu có thể kể đến:

- Nội dung của hợp đồng, giao dịch không phức tạp, không cần phải xác minh hay giám định. Do đó, việc công chứng hợp đồng, giao dịch này sẽ không cần phải kéo dài thời gian giải quyết.

- Tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng) không quá bận rộn. Khi lượng hồ sơ tại các tổ chức hành nghề công chứng không quá nhiều, dồn dập thì việc xử lý hồ sơ của công chứng viên sẽ thực hiện nhanh chóng hơn.

Nếu có cả hai yếu tố nêu trên thì việc công chứng hợp đồng, giao dịch có thể được thực hiện nhanh hơn so với quy định là 02 ngày làm việc đến không quá 10 ngày làm việc nêu tại khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng hiện hành.

Thời gian công chứng mất bao lâu
Thời gian công chứng mất bao lâu? Thực hiện nhanh hơn được không? (Ảnh minh hoạ)

3. Đến đâu để công chứng hợp đồng, giao dịch?

Khi muốn công chứng hợp đồng, giao dịch nghĩa là người yêu cầu công chứng muốn một cơ quan có thẩm quyền chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch giữa các bên. Người thực hiện giao kết cần phải đáp ứng điều kiện để được tham gia hợp đồng, giao dịch; nội dung của hợp đồng không trái đạo đức, pháp luật…

Do đó, trong một số trường hợp, hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc bắt buộc phải công chứng hoặc các hợp đồng, giao dịch không bắt buộc công chứng nhưng các bên có nhu cầu công chứng thì có thể đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện.

Tổ chức hành nghề công chứng gồm văn phòng công chứng và phòng công chứng. Việc công chứng hợp đồng, giao dịch phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trừ trường hợp người yêu cầu công chứng thuộc một trong số dưới đây:

- Là người già yếu, không thể đi lại được.

- Là người đang bị tam giam, tạm giữ hoặc đang thi hành án phạt tù.

- Người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng khác để không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Trong các trường hợp không đến trực tiếp tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch thì người yêu cầu có thể thoả thuận với tổ chức hành nghề công chứng về thù lao công chứng đi ký ngoài trụ sở.

Thù lao công chứng trong trường hợp này sẽ do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá mức trần mà Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, thù lao ký công chứng ngoài trụ sở không bao gồm tiền ăn, ở, phương tiện đi lại (nếu có) của công chứng viên:

- Ký trong phạm vi TP. Hồ Chí Minh: Dưới 5km tính từ trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì thù lao là 500.000 đồng/lần; nếu từ 05 km trở lên thì thù lao ký ngoài trụ sở là 500.000 đồng +30.000 đồng/km vượt quá km thứ 05 nhưng tối đa không quá 1,2 triệu đồng/lần.

- Ký ngoài phạm vi TP. Hồ Chí Minh: Nếu đi và về trong buổi làm việc thì thù lao là 1,5 triệu đồng/lần; nếu đi và về không trong ngày làm việc thì mức trần thù lao công chứng ký ngoài trụ sở là 2,5 triệu đồng/lần.

Trên đây là giải đáp chi tiết về: Công chứng mất bao lâu? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục