Di chúc được phòng công chứng lưu giữ trong bao lâu?

Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc. Theo quy định hiện hành, di chúc được phòng công chứng lưu giữ trong bao lâu?

Ai có quyền lưu giữ di chúc đã được lập?

Theo Ðiều 641 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.

Theo đó, tổ chức hành nghề công chứng có quyền lưu giữ bản di chúc, đồng thời có nghĩa vụ:

- Giữ bí mật nội dung di chúc;

- Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

- Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.

Lưu ý: Công chứng viên sẽ là người công bố di chúc. Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.

di chúc được phòng công chứng lưu giữ trong bao lâu
Di chúc được phòng công chứng lưu giữ trong bao lâu? (Ảnh minh họa)
 

Thời hạn lưu giữ di chúc tại văn phòng công chứng

Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp (khoản 2 Điều 64 Luật Công chứng 2014).

Như vậy, di chúc và các giấy tờ có trong hồ sơ công chứng di chúc phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề.

Trong trường hợp Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng thì hồ sơ công chứng do Văn phòng công chứng được chuyển đổi quản lý.

Trường hợp Phòng công chứng bị giải thể thì hồ sơ công chứng phải được chuyển cho một Phòng công chứng khác hoặc một Văn phòng công chứng do Sở Tư pháp chỉ định.

Trường hợp Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì Văn phòng công chứng đó phải thỏa thuận với một Văn phòng công chứng khác về việc tiếp nhận hồ sơ công chứng.

Nếu không thỏa thuận được hoặc Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động do toàn bộ công chứng viên hợp danh chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Sở Tư pháp chỉ định một Phòng công chứng hoặc một Văn phòng công chứng khác tiếp nhận hồ sơ công chứng.

>> Di chúc có bắt buộc phải được công chứng, chứng thực?

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục