Hiện nay, công an các địa phương đang kêu gọi người dân có thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đến trụ sở để đăng ký tài khoản định danh điện tử và tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe,… Vậy khi đã tích hợp thông tin, người dân có được dùng CCCD gắn chíp thay cho Giấy phép lái xe không?
Có cần mang Giấy phép lái xe khi đã tích hợp thông tin trong CCCD?
Trước đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến 2030.
Trong đó, mục tiêu đặt ra năm 2022 là từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID).
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, tiêm chủng, y tế, giáo dục,...
Nhờ việc tích hợp thông tin, hiện nay người dân có thể sử dụng CCCD gắn chíp để thay cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh, thay cho thẻ ATM khi rút tiền,…
Tuy nhiên với Giấy phép lái xe, hiện chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép sử dụng CCCD gắn chip thay thế cho Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vẫn ghi nhận Giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi đi đường. Cụ thể:
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, dù đã có một bộ phận người dân được tích hợp thông tin Giấy phép lái xe trong CCCD gắn chip nhưng người dân vẫn chưa thể sử dụng CCCD gắn chip thay cho Giấy phép lái xe khi đi đường do chưa có quyết định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
Không mang theo Giấy phép lái xe khi đi đường bị phạt như thế nào?
Nếu có Giấy phép lái xe mà không mang theo khi đi đường, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt như sau:
- Xe máy và các loại xe tương tự: 100.000 - 200.000 đồng (Điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô: 200.000 - 400.000 đồng (Điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Tuy nhiên theo khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trường hợp người tham gia giao thông không xuất trình được Giấy phép lái xe thì Cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi không có Giấy phép lái xe.
Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi, nếu người vi phạm xuất trình được Giấy phép lái xe hợp lệ thì Cảnh sát giao thông sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi không mang Giấy phép lái xe.
Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết mà người vi phạm mới xuất trình được Giấy phép lái xe thì vẫn phải cấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo lỗi không có Giấy phép lái xe. Mức phạt với lỗi này được quy định như sau:
Phương tiện vi phạm |
Mức phạt lỗi không có Giấy phép lái xe |
Xe máy dưới 175 cm3 |
01 - 02 triệu đồng (Điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019 sửa bởi Nghị định 123/2021) |
Xe máy từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh |
04 - 05 triệu đồng (Điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019 sửa bởi Nghị định 123/2021) |
Ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô |
10 - 12 triệu đồng (Điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019 sửa bởi Nghị định 123/2021) |
Trên đây là giải đáp về cho câu hỏi: Dùng Căn cước gắn chip thay cho Giấy phép lái xe được không? Nếu vẫn còn vướng mắc liên quan đến nội dung này, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.