Cô dâu nào cũng sẽ có “của hồi môn” do cha mẹ, người thân, bạn bè trao trong ngày vui trọng đại của đời người. Tuy nhiên, nếu chẳng may trong cuộc sống, hai vợ chồng không thể sống chung với nhau nữa mà ly hôn thì khoản của hồi môn này có bị chia không?
1. Của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng?
Trả lời:
Về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng, Luật Hôn nhân và Gia đình cùng Nghị định 126/20214/NĐ-CP đã có hướng dẫn rất chi tiết. Trong đó:
- Tài sản riêng của vợ chồng: Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế hoặc tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản phân chia từ tài sản chung, tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng… theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Tài sản chung vợ chồng: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoa lợi và lợi tức từ tài sản riêng, tài sản được thừa kế chung, tặng cho chung… của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).
Căn cứ phân loại trên, để xem xét, quyết định của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng, chúng ta cần căn cứ thời điểm cô dâu được tặng cho của hồi môn có thuộc thời kỳ hôn nhân không.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, thời kỳ hôn nhân được định nghĩa như sau:
Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.
Do đó, để xác định của hồi môn của cô dâu có phải tài sản riêng của cô dâu không cần xem xét thời điểm cô dâu được tặng cho của hồi môn, hai bên nam, nữ đã đăng ký kết hôn chưa:
- Nếu chưa đăng ký kết hôn: Của hồi môn là tài sản có trước hôn nhân.
- Nếu thời điểm tặng cho đã đăng ký kết hôn: Cần phải xét đến các yếu tố sau:
+ Người tặng cho có đề cập đến việc cho riêng cô dâu thì vẫn hình thành giao dịch dân sự hay một hợp đồng tặng cho bằng lời nói. Do đó, của hồi môn trong trường hợp này sẽ trở thành tài sản riêng của cô dâu.
+ Người tặng cho đề cập đến việc cho cả hai vợ, chồng thì đây là tài sản hai người được tặng cho chung. Do đó, đây sẽ là tài sản chung của hai vợ, chồng.
+ Người tặng cho không đề cập đến tặng cho ai thì căn cứ khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi không có căn cứ chứng minh tài sản đang có tranh chấp là tài sản riêng thì đây sẽ được coi là tài sản chung.
Ngoài ra, nếu sau khi nhận tặng cho của hồi môn, hai vợ, chồng thỏa thuận đây là tài sản chung hoặc dù vợ được tặng cho riêng nhưng thỏa thuận của hồi môn là tài sản chung vợ chồng thì đây sẽ trở thành tài sản chung.
Như vậy, để xác định của hồi môn là tài sản riêng thì phải có căn cứ chứng minh nó là tài sản riêng, được tặng cho riêng. Nếu không có căn cứ hoặc vợ chồng thỏa thuận thì đây được coi là tài sản chung của vợ, chồng.
2. Có phải chia của hồi môn khi ly hôn không?
Trả lời:
Tương tự như các loại tài sản khác, nếu của hồi môn được xác định là tài sản chung thì khi ly hôn, tài sản này sẽ được chia. Ngược lại, nếu hai bên xác định đây là tài sản riêng của mỗi người thì khi ly hôn không phải chia của hồi môn.
Cụ thể, khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Riêng tài sản chung vợ, chồng thì sẽ chia đôi theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng tính đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh gia đình, vợ, chồng.
- Công sức đóng góp của vợ, chồng.
- Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh…
- Lỗi của mỗi bên.
Theo tình huống của bạn, vì số vàng này được hai bên gia đình cho vợ chồng bạn nên đây được coi là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, khi ly hôn, số vàng này sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố kia.
Do câu hỏi của bạn chưa được chi tiết nên trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ nêu sơ bộ như trên. Để được tư vấn cụ thể hơn, bạn cũng như độc giả khác có thể liên hệ 1900.6192 để được đội ngũ luật sư cùng chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm của LuatVietnam hỗ trợ.
3. Của hồi môn khi ly hôn có đòi lại được không?
Trả lời:
Theo câu hỏi bạn đã trình bày, vàng cưới mà bố mẹ bạn tặng cho đều là tặng cho riêng vợ bạn. Đồng thời, vợ bạn cũng gửi tiết kiệm số vàng cưới này để sau này lo cho con của hai bạn.
Có thể thấy, mặc dù tiền để mua vàng cho bố mẹ bạn tặng vợ bạn là tiền riêng của bạn nhưng được bố mẹ đã tặng cho riêng vợ bạn. Đồng thời, khi tặng cho, bố mẹ bạn không kèm theo điều kiện nên đây không phải hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Đồng thời có thể khẳng định, đây là hợp đồng tặng cho tài sản đơn thuần với bên tặng cho là bố mẹ bạn, bên nhận tặng cho là vợ bạn. Do đó, không thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho trường hợp của bạn:
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn sẽ không thể đòi lại số vàng cưới bố mẹ bạn đã tặng cho vợ nếu có ly hôn. Ngoài ra, chỉ có trường hợp số vàng cưới này là tài sản chung thì khi ly hôn, số vàng cưới sẽ được chia theo quyết định của Tòa án hoặc theo thỏa thuận của hai bạn.
Trên đây là một số phân tích về việc của hồi môn có bị chia khi ly hôn không? Ly hôn nói chung và phân chia tài sản khi ly hôn nói riêng luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi bởi có rất nhiều tình huống có thể xảy ra.
Để trình bày cụ thể về hoàn cảnh, trường hợp của mình, độc giả hãy gọi điện thoại ngay đến tổng đài tư vấn miễn phí của LuatVietnam tại số 1900.6192 để gặp đội ngũ luật sư cùng chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm.
>> Cần biết gì về chia tài sản khi ly hôn để không bị thiệt?