Giảm biên chế là gì? Chính sách giảm biên chế mới nhất

Biên chế và tinh giản biên chế hay giảm biên chế là thuật ngữ vô cùng quen thuộc với cán bộ, công chức, viên chức. Vậy giảm biên chế là gì? Chính sách tinh giản biên chế như thế nào?

1. Giảm biên chế là gì?

Biên chế là thuật ngữ được đề cập nhiều đến trong các văn bản của cán bộ, công chức và viên chức như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Đây là một trong những chế độ dành riêng cho đối tượng này.

Để tìm hiểu về giảm biên chế là gì trước hết cần phải biết biên chế là gì? Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP nêu rõ:

“Biên chế” sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Như vậy, biên chế được định nghĩa là số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước hay số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cấp thẩm quyền giao cho mỗi cơ quan, đơn vị này.

Song song với biên chế là thuật ngữ tinh giản biên chế hay còn gọi là giảm biên chế. Từ định nghĩa nêu trên, có thể hiểu giảm biên chế là việc giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm, hàng quý.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 108 quy định, tinh giản biên chế hay giảm biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc mà cơ quan không thể bố trí, sắp xếp cho người đó công tác khác. Đồng thời, người bị giảm biên chế cũng sẽ được hưởng chế độ theo quy định.

Như vậy, giảm biên chế không phải là thuật ngữ được dùng trong các văn bản pháp luật mà là cách gọi khác của tinh giản biên chế. Và đây được hiểu là việc cắt giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức so với số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao theo kế hoạch khi đáp ứng các điều kiện:

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức có cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc.

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức không thể bố trí công tác khác cho những người dối dư, không đáp ứng được công việc nêu trên.

- Đối tượng bị tinh giản biên chế được chọn thông qua đánh giá, phân loại, xếp loại.

- Đối tượng bị tinh giản biên chế được hưởng các chính sách, chế độ sẽ nêu ở phần sau của bài viết này.

Xem thêm: Cán bộ, công chức, viên chức nào bị tinh giản biên chế?

giảm biên chế là gì


2. Chính sách giảm biên chế như thế nào?

Ngoài đối tượng, khái niệm giảm biên chế là gì, quy định được nhiều cán bộ, công chức, viên chức quan tâm hàng đầu là chính sách, chế độ của người bị giảm biên chế.

Theo đó, người bị tinh giản biên chế sẽ được hưởng chế độ: Nghỉ hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc khác ở tổ chức không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; thôi việc ngay hoặc sau khi học nghề và chính sách với người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc bổ nhiệm vào chức vụ khác có phụ cấp lãnh đạo thấp hơn.

Cụ thể, các chính sách giảm biên chế được hưởng như sau:

2.1 Nghỉ hưu trước tuổi

Tuỳ vào độ tuổi nghỉ hưu trước tuổi, theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP, yêu cầu về việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và chế độ, chính sách được hưởng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, người về hưu trước tuổi sẽ được hưởng:

- Chế độ hưu trí.

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu vì nghỉ hưu trước tuổi.

Ngoài ra, còn có thể được trợ cấp thêm 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu làm việc có đóng đủ BHXH, từ năm thứ 21 trở đi sẽ được trợ cấp mỗi năm ½ tháng tiền lương.

2.2 Chuyển sang làm việc khác

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về chính sách chuyển sang làm việc ở tổ chức khác không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Những người này sẽ được hưởng chế độ:

- Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng.

- Trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.

2.3 Thôi việc

Hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP, chính sách thôi việc cho người thuộc diện giảm biên chế gồm hai chính sách là thôi việc ngay và thôi việc sau khi đã học nghề. Cụ thể:

- Thôi việc ngay: Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, trợ cấp 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH áp dụng với người có tuổi tối đa thấp hơn 02 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường hoặc nghỉ hưu sớm hơn không quá 05 tuổi so với điều kiện bình thường mà không đủ điều kiện về hưu trước tuổi.

- Thôi việc sau khi đi học nghề:

  • Hưởng nguyên lương hiện hưởng, được đóng BHXH, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề không quá 06 tháng;
  • Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí khoá học tối đa 06 tháng tiền lương hiện hưởng.
  • Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm.
  • Được trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

2.4 Giảm biên chế với người đang giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ có phụ cấp thấp hơn hiện hưởng

Với đối tượng này thì sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ hoặc khi hết nhiệm kỳ bầu cử. Nếu thời hạn này còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu tròn 06 tháng.

Xem chi tiết: Toàn bộ chế độ cho cán bộ, công chức bị tinh giản biên chế

Trên đây là giải đáp về giảm biên chế là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.