Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2017

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2017
(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện; Sẽ có wifi miễn phí tại nhà ga hành khách; Bỏ quy định về nộp mẫu 06/GTGT; Điều chỉnh quy định về lệ phí đăng ký kinh doanh; Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; Thiết lập các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Nhập khẩu hóa chất dưới 10kg/lần không cần khai báo… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2017.

Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi

Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; Trưng bày, mua, bán lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem nhãn đúng quy định, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… là nội dung được quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Trường hợp sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Nghị định yêu cầu đối tượng sản xuất rượu thủ công phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc là hộ kinh doanh được thành lập theo quy định; Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu.

Với thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải làm thủ tục cấp giấy phép theo quy định mới trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 01/11/2017.

Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện

Từ ngày 01/11/2017, kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay vì thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh thuốc lá.

Nghị định cũng cho phép thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua thuốc lá từ thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép, thay vì chỉ được mua từ các thương nhân bán buôn như quy định cũ.

Ngoài ra, Nghị định còn bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được quy định trước đây. Cụ thể, với Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá và cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu về phương tiện vận tải. Với Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 03m2 trở lên…

Quy định về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

Tại Thông tư 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/09/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định cụ thể về việc điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc.

Theo Thông tư, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động nhằm xử lý, khắc phục sự cố gây mất an toàn thông tin mạng. Thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố hoạt động trên toàn quốc có trách nhiệm cử Đầu mối ứng cứu sự cố có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện các hoạt động phối hợp ứng cứu sự cố; Bảo đảm duy trì liên lạc thông suốt, liên tục 24/7; Công bố thông tin về địa chỉ tiếp nhận sự cố trên Trang/Cổng thông tin điện tử...

Đơn vị, cá nhân vận hành hệ thống thông tin có trách nhiệm chậm nhất 05 ngày kể từ khi phát hiện sự cố phải thông báo các thông tin của sự cố tới đồng thời các cơ quan, đơn vị sau: Chủ quản hệ thống thông tin, Cơ quan điều phối quốc gia, Đơn vị chuyên trách về ứng cứu sự cố và thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố có trách nhiệm liên quan (nếu có). Hình thức thông báo sự cố bằng công văn, fax, thư điện tử, nhắn tin đa phương tiện, văn bản giấy hoặc văn bản điện tử…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Sẽ có wifi miễn phí tại nhà ga hành khách

Các doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách phải bố trí hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách có chất lượng, đảm bảo liên tục truy cập, kết nối. Đồng thời, phải bố trí vị trí niêm yết thông tin đường dây nóng của tất cả các doanh nghiệp hãng hàng không tại cảng hàng không. Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT ngày 25/07/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải bố trí nhân viên trợ giúp hành khách chưa làm thủ tục tại khu vực làm thủ tục trước giờ đóng quầy 15 phút (trước đây quy định chỉ 10 phút) và thông tin cho các bộ phận an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan để hỗ trợ hành khách hoàn thiện các thủ tục.

Đến 2020, hệ thống làm thủ tục của hãng hàng không sẽ được kết nối vào hệ thống làm thủ tục hành khách chung tại các cảng hàng không, trừ các khu vực làm thủ tục hành khách được dành riêng cho 01 hãng hàng không khai thác.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Không cứu người bị nạn trên sông, biển bị phạt đến 10 triệu đồng

Quy định mới về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017.

Nghị định chỉ rõ, hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng; trong khi trước đây chỉ phạt từ 03 - 05 triệu đồng.

Hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng… sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng. Hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

Với hành vi đóng thiếu vào Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định quy định phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt; Với hành vi đóng chậm, mức phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt; Với hành vi không đóng, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phải đóng góp theo từng đợt. Trong cả 03 trường hợp này, mức phạt tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 50 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Điều kiện hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội

Theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017 của Chính phủ, các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập hoạt động phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Trong đó, cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành; Diện tích đất bình quân 20m2/đối tượng ở khu vực nông thôn và 10m2/đối tượng ở khu vực thành thị; Diện tích phòng ở của đối tượng phải đạt tối thiểu 6m2/đối tượng; Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước…

Nhân viên trợ giúp xã hội tại cơ sở phải có sức khỏe; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Có kỹ năng để trợ giúp xã hội…

Nghiêm cấm cơ sở trợ giúp xã hội lợi dụng việc thành lập cơ sở để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cộng đồng; Đánh đập, nhốt đối tượng, trói đối tượng; Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ; Đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục …

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Bỏ quy định về nộp mẫu 06/GTGT

Đây là điểm mới nổi bật tại Thông tư số 93/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và bãi bỏ khoản 7 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.

Cụ thể, Thông tư đã bỏ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có doanh thu dưới 01 tỷ đồng nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định phải đăng ký tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT theo Mẫu 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

Tương tự, Thông tư cũng bỏ quy định phải nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT. Trước đây yêu cầu người nộp thuế đang áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp chuyển sang phương pháp khấu trừ hoặc ngược lại phải gửi văn bản thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT theo Mẫu số 06/GTGT…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/11/2017.

Điều kiện tổ chức đào tạo liên thông cao đẳng, trung cấp nghề

Theo Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21/09/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các trường tổ chức đào tạo liên thông phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông ở trình độ tương ứng; Đã ban hành chương trình đào tạo liên thông cho những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông; Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, trường phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất 01 khóa học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hình thức đào tạo chính quy đã tốt nghiệp.

Việc tuyển sinh đào tạo liên thông được thực hiện một hoặc nhiều lần trong năm thông qua ba hình thức, gồm: Xét tuyển; Thi tuyển; Kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Sau khóa học, người học sẽ được cấp Bằng tốt nghiệp. Bảng điểm của người học phải ghi đầy đủ, rõ ràng kết quả học tập cùng số tín chỉ của các môn học, mô-đun trong thời gian đào tạo liên thông và của các môn học, mô-đun khác đã được công nhận.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/11/2017.

Ban hành mẫu Điều lệ và Quy chế nội bộ áp dụng với công ty đại chúng

Tại Thông tư số 95/2017/TT-BTC ngày 22/09/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, Bộ Tài chính đã ban hành Điều lệ mẫu và mẫu Quy chế nội bộ về quản trị công ty để các công ty đại chúng tham chiếu xây dựng Điều lệ công ty, Quy chế nội bộ về quản trị công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, Điều lệ công ty sẽ được xây dựng theo mẫu và được Đại hội đồng cổ đông thông qua với các nội dung về: Tên, hình thức, trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, thời hạn hoạt động và người đại diện theo pháp luật của công ty; Mục tiêu, phạm vi kinh doanh và hoạt động; Vốn điều lệ, cổ phần, cổ đông sáng lập; Cơ cấu tổ chức…

Đối với Quy chế nội bộ về quản trị công ty, cần có các nội dung sau đây: Trình tự, thủ tục về triệu tập và biểu quyết tại Đại hội cổ đông; Đề cử, ứng cử, bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên; Tổ chức họp Hội đồng quản trị; Thành lập và hoạt động của các tiểu ban thuộc Hội đồng quản trị, Ban kiểm toán nội bộ..

Thông tư có hiệu lực từ ngày 06/11/2017.

Điều chỉnh quy định về lệ phí đăng ký kinh doanh

Ngày 27/09/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư này quy định lệ phí đăng ký kinh doanh là khoản thu đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã.

Trước đây, lệ phí đăng ký kinh doanh được quy định là khoản thu chỉ áp dụng đối với hộ gia đình; hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/11/2017.

Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Tại Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/09/2017 sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hướng dẫn mới về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện bảo lãnh khi đáp ứng 02 điều kiện: Trong Giấy phép thành lập và hoạt động có quy định nội dung bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt. Danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo Thông tư này, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; trong 05 ngày làm việc từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ ngày phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.

Đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/09/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 02 nhóm đối tượng được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, gồm: Trường đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ.

Các trường đại học đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, đơn vị sự nghiệp được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các trung tâm ngoại ngữ và các trường cao đẳng sư phạm chỉ được tổ chức đánh giá theo định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3.

Để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy, thi nói trực tiếp và thi trên máy tính. Kết quả thi được công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi nhưng đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân của thí sinh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.

Từ 15/11, doanh nghiệp viễn thông phải định kỳ cung cấp thông tin thuê bao

Đây là yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư số 21/2017/TT-BTTTT ngày 29/09/2017 về cung cấp và sử dụng số liệu viễn thông. Cụ thể: Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp cho Cục Viễn thông các loại số liệu gồm: Thông tin thuê bao di động; số liệu về số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi có trong bản ghi chi tiết cuộc gọi (CDR). Các số liệu này là số liệu gốc được ghi nhận tại hệ thống tổng đài của doanh nghiệp viễn thông, được lưu trữ tại doanh nghiệp trong vòng 24 tháng tính đến thời điểm yêu cầu cung cấp số liệu.

Việc cung cấp số liệu được thực hiện định kỳ hàng tháng thông qua đường truyền dẫn kết nối từ doanh nghiệp đến Cục Viễn thông hoặc khi có yêu cầu bằng văn bản của Cục Viễn thông. Đối với các thông tin của giấy tờ tùy thân của người sử dụng thuê bao, giấy chứng nhận pháp nhân của tổ chức sử dụng thuê bao, ảnh chụp người đến giao kết hợp đồng, bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử sẽ được cung cấp bản số hóa qua hệ thống ứng dụng quản lý của mỗi doanh nghiệp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.

Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe

Nghị định số 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe đã được Chính phủ ban hành ngày 05/10/2017, có hiệu lực từ ngày 20/11/2017.

Theo đó, người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe phải được bồi dưỡng phương pháp dạy - học lâm sàng; Có thời gian hành nghề ít nhất 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học; 24 tháng với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp; Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 05 người thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với trình độ cao đẳng, trung cấp. Người giảng dạy thực hành chưa được bồi dưỡng về phương pháp dạy - học lâm sàng phải tham gia lớp bồi dưỡng trước ngày 01/01/2020.

Cũng theo Nghị định này, tại cùng thời điểm, mỗi khoa, phòng của bệnh viện có không quá 3 người thực hành trên 1 giường bệnh hoặc 1 ghế răng.

Chính sách với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam

Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm thực tế tham gia thanh niên xung phong cơ sở. Trong đó, từ đủ 02 năm trở xuống, mức trợ cấp bằng 2,5 triệu đồng; từ trên 02 năm thì từ năm thứ 03 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Trường hợp thanh niên xung phong có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan nhưng không thể hiện cụ thể thời gian tham gia kháng chiến thì được hưởng 2,5 triệu đồng. Trường hợp thanh niên xung phong đã từ trần trước ngày 20/11/2017 thì thân nhân được hưởng mức trợ cấp 3,6 triệu đồng.

Đối với thanh niên xung phong không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa được xét trợ cấp hàng tháng với mức 540.000 đồng/tháng.

Các chính sách nêu trên được quy định tại Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 20/11/2017.

Thiết lập các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

Theo Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 04/10/2017, nhà sản xuất sẽ phải thiết lập các điểm thu hồi để tiếp nhận, tập trung, lưu giữ sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng. Danh sách các điểm thu hồi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường (www.vea.gov.vn).

Thời gian tối đa lưu giữ sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi tập trung là 06 tháng, tính từ khi tiếp nhận. Trường hợp lưu giữ quá 06 tháng phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Việc vận chuyển sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại từ người tiêu dùng đến điểm thu hồi phải được thực hiện bởi đơn vị có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại. Trường hợp vận chuyển không quá 100 kg hoặc 50 sản phẩm thải bỏ là thiết bị điện tử cỡ nhỏ (máy tính, máy in, điện thoại di động…) và pin, ắc quy thải…; 01 sản phẩm thải bỏ là thiết bị điện, điện tử cỡ lớn (ti vi, tủ lạnh…); 20 lít đối với dầu nhớt thải không cần phải có Giấy phép.

Mỗi chương trình đào tạo thạc sĩ phải có tối thiểu 30 tín chỉ

Ngày 10/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo Thông tư này, ngành đào tạo là tập hợp những kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến một lĩnh vực khoa học hay một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nhất định. Khối lượng kiến thức ngành trong mỗi chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải đảm bảo tối thiểu 30 tín chỉ. Đối với chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, trừ một số phần bổ sung, phần còn lại là kiến thức ngành và chuyên ngành.

Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được quy định cụ thể tại Thông tư này gồm nhiều lĩnh vực; trong đó có: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nghệ thuật; Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Báo chí và thông tin; Kinh doanh và quản lý; Pháp luật…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/11/2017.

Nhập khẩu hóa chất dưới 10kg/lần không cần khai báo

Theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, có 1156 hóa chất phải thực hiện khai báo khi sản xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, có một số trường hợp được miễn trừ khai báo, như: Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng; Hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất bảng đã được cấp phép sản xuất, nhập khẩu; Hóa chất nhập khẩu dưới 10kg/lần nhập khẩu; Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam…

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử người tham gia các khóa luấn luyện định kỳ 02 năm/lần. Người đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp: Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc; Khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí công việc; Sau 02 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; Khi hết thời hạn 02 năm từ lần huấn luyện trước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/11/2017.

Ngoài ra, còn có quy định về Quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Áp dụng cơ chế tự chủ tài chính với Cục Viễn thông; Thủ tục bàn giao các công trình điện vốn Nhà nước cho EVN quản lý; Quy định mới về Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Làm thủ tục tàu bay xuất, nhập cảnh qua Cơ chế một cửa quốc gia; Bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng; Quy chuẩn tàu thủy nội địa vỏ thép chở hóa chất nguy hiểm… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2017.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 11/2017 tại đây.

 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới

Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới

Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới

Tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09 năm 2017, Chính phủ thống nhất với kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh thời gian bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thống mới trên phạm vi toàn quốc theo hình thức cuốn chiếu…