Mặc dù đã được soạn thảo rất công phu nhưng đến thời điểm cuối cùng, dự thảo Nghị định về giấy phép kinh doanh đã không được ban hành.
Như vậy, sẽ không có một Nghị định riêng về giấy phép kinh doanh như dự định trước đây. Ông Đinh Văn Ân đã cho biết điều này tại một hội nghị về giấy phép kinh doanh diễn ra tại Hà Nội ngày
Ông Ân cho biết, dự thảo đã qua nhiều lần soạn thảo và được trình lên Chính phủ xem xét để ban hành theo dự kiến. Tuy nhiên lại nảy sinh một vấn đề là có rất nhiều giấy phép kinh doanh được quy định trong các luật, bây giờ nếu có Nghị định để điều chỉnh các giấy phép sẽ nảy sinh một số vấn đề bất cập không đúng quy trình pháp luật. Vì vậy, quyết định cuối cùng là không ban hành Nghị định này.
Tuy nhiên, không ban hành Nghị định không có nghĩa là buông lỏng việc quản lý giấy phép kinh doanh. Chính phủ vẫn yêu cầu quản lý chặt việc ban hành các giấy phép kinh doanh và hạn chế tối đa các loại giấy phép kinh doanh để đảm bảo một môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi.
Nhiệm vụ quản lý các giấy phép kinh doanh được giao lại cho Bộ KH - ĐT và Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của Chính phủ. Bộ và Tổ sẽ có trách nhiệm rà soát và kiểm tra tình đúng dắn về pháp lý, hiệu quả thực tế của các giấy phép kinh doanh được ban hành. Báo cáo Thủ tướng cũng như đề xuất phương án xử lý nếu thấy cần thiết.
"Cuộc chiến" với các loại giấy phép kinh doanh được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời và đi vào thực tế. Kết quả của quá trình đấu tranh là xoá bỏ được nhiều loại giấy kinh doanh không hợp lý. Dưới sự đi đầu của Tổ thi hành luật Doanh nghiệp cũng các bộ ngành và VCCI, hàng năm đã thống kê được 1 danh sách các giấy phép còn có hiệu lực cũng như đề xuất những sửa đổi và thậm chí loại bỏ những giấy phép gây cản trở cho kinh doanh. Đã có khoảng 500 giấy phép được thống kê và 200 trong số đó được loại bỏ.
Tuy nhiên, trong những năm cuối thi hành Luật DN 1999, quá trình này đã gặp không ít khó khăn. Thậm chí, Chính phủ đã bốn lần yêu cầu các địa phương, bộ ngành rà soát, báo cáo, xóa bỏ những giấy phép phạm qui thuộc địa bàn, lĩnh vực mình nhưng không đạt được kết quả cao.
Gần đây, các chuyên gia đã ghi nhận sự trỗi dậy của một làn sóng giấy phép mới. Tốc độ ban hành giấy phép con được ghi nhận là "mỗi tuần thêm 1 giấy phép con". Trong đó, nhiều giấy phép đã được loại bỏ nhưng lại xuất hiện trở lại dưới tên gọi khác. Thậm chí để đảm bảo sự tồn tại hợp lý của giấy phép, các bộ ngành đã tìm cách đưa vào luật, nghị định, pháp lệnh chuyên ngành để tồn tại bền vững và hiệu lực hơn.
Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn Luật DN mới, một dự thảo Nghị định về giấy phép kinh doanh đã được soạn thảo nhằm đưa ra một cơ chế mới để thẩm định, kiểm soát chặt chẽ quá trình hình thành các loại giấy phép kinh doanh. Dự thảo Nghị định cũng đề xuất việc thành lập một Hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh độc lập để giám sát việc ban hành các giấy phép kinh doanh.
(Theo VNN)