Đó là nội dung trong Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo mới do UBND thành phố Hà Nội ban hành, tại Quyết định số 205/2006/QĐ-UBND và có hiệu lực từ tháng 12/2006.
Quy chế này thay thế Quyết định số 10/2001/QĐ-UB ngày 9/3/2001.Thời gian cấp giấy phép là 5 ngày đối với quảng cáo trên màn hình điện tử, 7 ngày đối với quảng cáo băng-rôn và 10 ngày đối với các quảng cáo khác. Thời hạn giấy phép thực hiện quảng cáo không quá 3 năm. Sở VHTT Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Sở VHTT và UBND các quận, huyện đều phải có trách nhiệm kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động quảng cáo, xử phạt hành chính và cưỡng chế tháo dỡ các biển quảng cáo sai phạm.
Theo Quyết định mới, thành phố cấm quảng cáo tại khu vực Quảng trường Ba Đình, trụ sở của các cơ quan, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng. Các khu vực Quảng trường 19-8, Quảng trường 1-5, hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố quanh hồ, tuyến phố Tràng Thi, Tràng Tiền, khu vực phố cổ Hà Nội, trên các mặt hồ nước chỉ được phép quảng cáo cho các hoạt động kinh doanh thương mại, chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí bằng hộp đèn.
Quảng cáo tấm lớn được thực hiện theo quy hoạch của thành phố. Diện tích mỗi mặt của biển, bảng quảng cáo từ 40m2 đến 60m2 (trong khu vực vành đai 2) và từ 40m2 đến 80m2 (trong khu vực vành đai 3), chiều cao 15m tính từ mặt nền đường đến mép trên của biển. Ngoài khu vực vành đai 3, các biển, bảng quảng cáo tấm lớn có diện tích mỗi mặt tối đa 120m2, chiều cao 17m tính từ mặt nền đường đến mép trên của biển. Quảng cáo bằng băng-rôn được quy định tối đa 20 băng-rôn cho một chương trình, thời hạn treo không quá 15 ngày. Quảng cáo bằng màn hình điện tử thực hiện theo quy hoạch, phải có kết cấu chân cột vững chắc từ mặt đất, chiều cao tối đa 15m, diện tích màn hình tối đa 60m2, dành 30% thời lượng phát hình cho tuyên truyền chính trị, kinh tế xã hội của thành phố, không được sử dụng âm thanh.
(Theo HNM)