Ngày 07/11, tại hội trường, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra của 5 dự thảo luật, bao gồm: Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật năng lượng nguyên tử và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp
Trình bày Dự thảo Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về nhân lực, vật lực trong trường hợp xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các tình huống cấp thiết khác đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Trong những trường hợp đó, các quốc gia đều cho phép thực hiện trưng thu, trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Vì thế, việc ban hành Luật sẽ góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà các biện pháp huy động khác không đáp ứng được; đồng thời góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan nhà nước các cấp mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các trường hợp đã thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản trước đây, những vẫn còn vướng mắc khi giải quyết các trường hợp chưa đủ căn cứ thanh toán.
Để có thể tiếp tục xử lý các trường hợp này một cách bình đẳng với các trường hợp tương tự đã được xử lý, trong Tờ trình của mình, Bộ trưởng có nêu kiến nghị để Quốc hội xem xét, đó là đối với các trường hợp Nhà nước đã thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, thì thực hiện theo các quy định của pháp luật tại thời điểm trưng mua, trưng dụng; không áp dụng và điều chỉnh theo các quy định của Luật này.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sẽ được thống nhất, công khai, minh bạch hơn
Về Dự thảo Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quản lý tài sản nhà nước còn nhiều tồn tại, yếu kém thể hiện ở hệ thống pháp luật về quản lý đối với một số lĩnh vực tài sản còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa điều chỉnh bao quát hết các quan hệ về tài sản trong kinh tế thị trường.
Ngoài ra, việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các đối tượng trực tiếp sử dụng tài sản chưa nghiêm. Các chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này còn yếu, thiếu và chưa đồng bộ. Bộ máy cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản nhà nước chưa được chú trọng kiện toàn. Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc ban hành Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong thời điểm hiện nay là cần thiết.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn toàn nhất trí với những ý kiến và đề xuất nêu trong Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, một số thành viên của Uỷ ban còn băn khoăn về các quy định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm tài sản cho các cơ quan nhà nước. Uỷ ban Pháp luật cho rằng những nội dung này không thuộc phạm vi quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, đề nghị Cơ quan trình dự án cân nhắc, xem xét lại để tránh trùng lặp với các quy định của Luật đầu tư công đang được xây dựng.
Đẩy mạnh và quản lý tốt việc sử dụng năng lượng nguyên tử
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, trong những năm qua, khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Điển hình như điện hạt nhân, hiện là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch, mở ra triển vọng cung cấp điện năng bền vững trong khi các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt.
Tuy nhiên, thực trạng yếu kém và thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, tài chính, nguồn nhân lực và đặc biệt là cơ sở pháp lý chưa đầy đủ đã khiến cho việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân bước đầu được hình thành nhưng tuổi trung bình cao và chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề.
Theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, việc ban hành Luật Năng lượng nguyên tử sẽ góp phần đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật; tăng cường trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng năng lượng nguyên tử...
Tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đều tán thành với những quy định của Luật. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị, Luật cần quy định rõ hơn về chức năng của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia. Theo Ủy ban, Hội đồng này cần được tham gia thẩm định dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân; được đánh giá kết quả thẩm định, vấn đề an toàn hạt nhân và an toàn của nhà máy điện hạt nhân; đồng thời có thể làm báo cáo trình cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác khi phát hiện các yếu tố không bảo đảm an toàn.
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra của Dự thảo Luật hoạt động chữ thập đỏ và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Hôm nay, ngày 08/11, các đại biểu thảo luận ở tổ về các Dự thảo Luật trên.
(