Bộ Tài chính vừa công bố 233 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế.
Danh mục những văn bản trên được ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BTC do Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng vừa ký. Số văn bản này theo quy định đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2004.
Cụ thể, lĩnh vực thuế có 24 thông tư và 14 quyết định; Ngân sách Nhà nước: 6 thông tư; Hành chính sự nghiệp: 8 thông tư; Hải quan: 8 quyết định và 4 thông tư; Tài chính - ngân hàng: 6 quyết định và 6 thông tư; Lĩnh vực tài chính - đối ngoại: 3 thông tư và 1 quyết định; Đầu tư: 1 thông tư; Bảo hiểm: 2 thông tư; Hợp tác quốc tế: 1 thông tư; Tài chính doanh nghiệp: 11 thông tư và 5 quyết định; Lĩnh vực giá: 6 quyết định; Kế toán, kiểm toán: 5 thông tư và 2 quyết định; Kho bạc Nhà nước: 5 thông tư, 1 quyết định; Dự trữ quốc gia: 66 quyết định, 2 thông tư; Chứng khoán: 1 quyết định; Quản lý công sản: 2 thông tư, 1 quyết định; Tổ chức cán bộ: 38 quyết định và 4 thông tư.
Theo thống kê của Văn phòng Bộ Tài chính, số văn bản pháp quy (chưa tính các loại văn bản khác) của Bộ này riêng trong năm 2004 là trên 20.000 văn bản.
Trong một cuộc tọa đàm về xây dựng pháp luật và thực trạng áp dụng tại các doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội cuối năm 2004, các doanh nghiệp đều cho rằng còn nhiều bất cập trong việc xây dựng pháp luật kinh doanh.
Các văn bản luật kinh doanh nhiều khi thiếu tầm nhìn xa, không đồng bộ, luật thiếu cụ thể mà các văn bản hướng dẫn thi hành lại ra đời chậm... Điều này gây khó cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với thời điểm chuẩn bị hội nhập hiện nay của Việt Nam, tốc độ ra đời, thực thi cũng như hết hạn của các văn bản pháp luật rất nhanh. Các doanh nghiệp vì thế tương đối vất vả bởi "chạy theo" luật. Chưa kể đến việc với mỗi bộ luật, lại có tới hàng chục văn bản hướng dẫn thi hành khác nối đuôi.
(Theo VietNamNet)