Sử dụng thống nhất trên cả nước 2 loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sở hữu công trình xây dựng.
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 19/7, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2005/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (CNQSHN), quyền sở hữu công trình xây dựng (SHCTXD).
Theo Nghị định, việc cấp Giấy CNQSHN, QSHCTXD là cơ sở pháp lý để nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của các chủ thể và các chủ sở hữu. Trường hợp công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp (dùng để ở và dùng vào các mục đích khác) của một chủ sở hữu thì cấp Giấy CNQSHCTXD cho chủ sở hữu đó. Còn trong trường hợp các công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp (dùng để ở và dùng vào các mục đích khác) của nhiều chủ sở hữu nhưng không thể phân chia mục đích sử dụng riêng biệt thì cấp Giấy CNQSHCTXD. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải ghi đủ tên các chủ sở hữu trong giấy chứng nhận và cấp cho mỗi chủ sở hữu một bản.
Tuy nhiên, trong trường hợp công trình xây dựng nói trên có thể phân chia mục đích sử dụng riêng biệt của từng chủ sở hữu thì căn cứ vào mục đích sử dụng của từng chủ sở hữu để cấp Giấy CNQSHN hoặc cấp Giấy CNQSHCTXD cho từng chủ sở hữu. Ban hành kèm theo Nghị định là mẫu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Giấy CNQSHN hoặc Giấy CNQSHCTXD được cấp cho chủ sở hữu bản chính và sao 01 bản để lưu tại cơ quan cấp giấy chứng nhận.2 loại giấy trên đều do Bộ Xây dựng phát hành và được sử dụng thống nhất trong cả nước.
Cũng theo Nghị định 95/2005/NĐ-CP, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, UBND cấp tỉnh sẽ cấp Giấy CNQSHN và Giấy CNQSHCTXD cho các tổ chức và được ủy quyền cho Sở Xây dựng thực hiện việc cấp giấy này. UBND cấp huyện, thị xã sẽ cấp Giấy CNQSHN và quyền SHCTXD cho cá nhân (bao gồm cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài). Về việc ghi tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận, Nghị định quy định, nếu nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu của một tổ chức thì ghi tên tổ chức đó; nếu nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu của một cá nhân thì ghi họ, tên người đó. Trường hợp nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu chung hợp nhất thì ghi đủ họ, tên các chủ sở hữu. Còn với trường hợp nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu chung có phần sở hữu riêng thì ghi tên từng chủ sở hữu đối với phần sở hữu riêng và cấp giấy chứng nhận cho từng chủ sở hữu.
Trong trường hợp nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì nghị định quy định ghi họ, tên của cả vợ và chồng. Trong trường hợp có vợ hoặc chồng là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài mà không thuộc diện được sở hữu nhà ở, sở hữu công trình xây dựng tại Việt Nam thì chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng là cá nhân trong nước.
Nghị định cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận với tổ chức, cá nhân trong quy định rõ thời hạn, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận để người dân có thể nhận được giấy chứng nhận một cách đỡ phiền hà nhất.
Về lệ phí cấp, Nghị định trên quy định: đối với việc cấp Giấy CNQSHN lần đầu cho cá nhân thì số tiền nộp không vượt quá 100.000 đồng/giấy, cho tổ chức thì số tiền nộp không vượt quá 500.000 đồng/giấy. Còn đối với việc cấp Giấy CNQSHCTXD lần đầu cho cá nhân và tổ chức thì số tiền nộp không vượt quá 500.000 đồng/giấy. Đối với việc cấp đổi, cấp lại, xác nhận thay đổi trên Giấy CNQSHN. QSHCTXD và các trường hợp khác khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng thì số tiền nộp không vượt quá 50.000 đồng/giấy.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp theo quy định của Nghị định số 60/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ vẫn có nguyên giá trị pháp lý. Trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu cấp đổi sang giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định này thì phải làm thủ tục để được cấp đổi giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
Nghị định này lại không áp dụng cho các nhà ở và công trình thuộc diện: nhà tạm; nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu toàn dân; nhà ở, công trình xây dựng đã có quyết định hoặc thông báo giải toả, phá dỡ hoặc đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở, công trình xây dựng nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng...
(Theo Hà Nội Mới)