Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2014 áp dụng trên thực tế rất có thể xảy ra tình huống Trung tướng phải chào Thiếu tướng.
Khi nào Trung tướng phải đứng nghiêm chào Thiếu tướng?
Một trong những nội dung nổi bật tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi nằm ở khoản 3 Điều 1 quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan.
Nếu căn cứ theo mức quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan theo quy định này, trần quân hàm Trung tướng sẽ áp dụng đối với người đứng đầu cấp Quân khu cùng người đứng đầu cấp Bộ Tư lệnh là: Tư lệnh Quân khu và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Trên thực tế, Bộ Tư lệnh TP.HCM lại là đơn vị trực thuộc (cấp dưới) của Quân khu 7.
Trong khi đó, trần quân hàm dành cho Phó Tư lệnh cấp Quân khu (cấp trên của Bộ Tư lệnh TP.HCM) chỉ là Thiếu tướng.
Vì vậy, tình huống Trung tướng phải đứng nghiêm chào Thiếu tướng mỗi khi làm việc hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế.
Luật Sĩ quan Quân đội sửa đổi 2014 đã có quy định mới về cấp bậc quân hàm (Ảnh minh họa)
Trung tướng phải chào Thiếu tướng là điều bình thường
Thực tế xảy ra khi Phó Tư lệnh Quân khu xuống chỉ đạo công tác dành cho Bộ Tư lệnh TP.HCM, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM phải thi hành nghi lễ trong quân đội đối với cấp chỉ huy của mình.
Tuy nhiên, giải thích về điều này, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng đã khẳng định, việc Trung tướng phải chào Thiếu tướng là điều hết sức bình thường.
Vị quan chức này còn nhấn mạnh, Trường hợp Trung tướng phải đứng nghiêm thi lễ với Thiếu tướng trong thực tiễn đã có.
Nguyên tắc xử lý là, sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng bậc quân hàm lại bằng hoặc thấp hơn sỹ quan dưới quyền thì người nào có chức vụ cao hơn vẫn là cấp trên, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy.
LuatVietnam