Tại nhiều địa phương, giá đất đang tăng gấp đôi, không ít người muốn chớp thời cơ này ôm đất để đầu tư. Do đó, các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất vay mua nhà, đất để tránh rủi ro.
Thị trường bất động sản đang nóng
Những tháng gần đây, thị trường bất động sản được cho là đang nóng dần lên. “Cơn sốt” đất diễn ra nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Nam...
Cụ thể như ở Vĩnh Phúc - một tỉnh giáp ranh Hà Nội, giá đất đang tăng liên tục với mức gấp 1,2 - 2 lần so với nửa cuối năm ngoái. Trong khi đó, giá đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng tăng gấp đôi, từ 5 – 8 triệu đồng/m2 giữa năm 2017 thì nay đã tăng lên 12 – 15 triệu đồng/m2; tại một số tuyến đường của TP. Biên Hòa (Đồng Nai), giá đất đang vọt lên đến 80 - 90 triệu đồng/m2…
Giống như bất cứ cơn sốt đất nào khác từng diễn ra, lần này cũng chủ yếu là do giới đầu cơ mua đi bán lại để hưởng chênh lệch giá. “Bong bóng bất động sản" đã nhìn thấy rõ và những nguy cơ khi "bong bóng nổ" cũng có thể lường trước, nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại làm thủ tục vay tiền ngân hàng để đổ vào bất động sản.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay
Giữa cơn sốt đất, các ngân hàng đã có các biện pháp để ngăn ngừa các rủi ro từ khoản vay bất động sản, mà biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng lãi suất cho vay.
Theo thông tin mới nhất của Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ ngày 2/5/2018, ngân hàng này đã tăng lãi suất cho vay mua nhà, đất lên mức 11%/năm và không triển khai gói tín dụng ưu đãi nào cho lĩnh vực bất động sản. Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á cũng đang duy trì mức lãi suất vay mua đất khá cao: 12,38%/năm.
Có thể thấy, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà, đất là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra đầu năm nay. Cụ thể, tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.
Tại Công văn 563/NHNN-TTGSNH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Giữa cơn sốt đất, ngân hàng tăng lãi suất vay mua nhà, đất để tránh rủi ro (Ảnh minh họa)
Ngoài việc tăng lãi suất cho vay mua nhà, đất, các ngân hàng còn thận trọng trong cấp tín dụng, như: Yêu cầu khách hàng thế chấp tài sản khác ngoài tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay; Thẩm định giá nhà, đất không theo giá thị trường; Chỉ cho vay 40 – 50% trên giá thẩm định…
Người vay mua nhà để ở đang chịu thiệt
Việc các ngân hàng tăng lãi suất vay mua nhà, đất đang khiến những người có nhu cầu mua nhà, đất để ở chịu thiệt thòi. Bởi thực tế, lãi suất cho vay này áp dụng chung với tất cả khách hàng vay tiền mua nhà, đất, không phân biệt là khách hàng vay mua nhà đất để đầu tư hay để ở.
Vì thế, ở thời điểm hiện tại, những người có nhu cầu vay tiền mua nhà, đất để ở sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn hoặc phải vay với lãi suất cao hơn. Mong muốn có một căn nhà để ở của nhiều người có thể sẽ phải tạm gác lại, ít nhất là qua thời điểm sốt đất này.
Dù vậy, việc tăng lãi suất cho vay mua nhà, đất hiện nay vẫn được cho là cần thiết, giúp ổn định thị trường bất động sản, đồng thời tập trung nguồn vốn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trước đây, có thời điểm các ngân hàng rộng cửa cho vay mua nhà, đất với lãi suất ưu đãi và khi "bong bóng bất động sản" vỡ, nhiều người lao đao vì phá sản, các ngân hàng cũng “khóc ròng” vì ôm nợ xấu.
Tin liên quan:
Loạt chính sách mới tác động đến thị trường bất động sản 2018
Lãi suất vay ngân hàng năm 2018 có gì thay đổi?
LuatVietnam