Từ mai, bán hàng xách tay cần biết những điều này để không bị phạt

Hiện nay, hàng xách tay rất phổ biến trên thị trường. Pháp luật cũng có nhiều quy định để điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, không ít người bán vẫn rất "mơ hồ" về tính pháp lý của chính hàng hóa do mình bán ra.

Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu?

Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020, hàng hóa nhập lậu gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Còn về hàng xách tay, pháp luật hiện hành không có khái niệm này. Theo quảng cáo của người bán hàng hàng xách tay là những mặt hàng do cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam bằng đường hàng không.

Cũng theo quảng cáo, hàng xách tay không phải chịu các loại thuế nhập khẩu thông thường, không phải làm thủ tục hải quan… Nếu đúng như quảng cáo, đây chính là hàng nhập lậu.
 

Khi nào bán hàng xách tay không bị phạt?

Như vậy, dựa vào các quy định trên, không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như:

- Có hóa đơn chứng từ kèm theo rõ ràng;

- Không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép);

- Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định;

- Hàng hóa có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật...

Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thì khi về đến Việt Nam sẽ phải đúng các loại thuế, phí sau:

- Thuế nhập khẩu;

- Thuế giá trị gia tăng;

- Lệ phí hải quan;

- Một số hàng hóa có thể phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường...

Căn cứ những quy định trên, nếu bán hàng xách tay có đủ các điều kiện về nhập khẩu, tem mác, giấy tờ và đóng đủ các loại thuế, phí theo quy định sẽ không phải bán hàng nhập lậu và không bị xử phạt.


"Tất tần tật" các quy định cần biết về hàng xách tay (Ảnh minh họa)

 

Bán hàng xách tay không có giấy tờ bị phạt bao nhiêu?

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Những quy định về xử phạt đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đã có từ trước, không phải là quy định mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, Nghị định 98 đã nâng mức phạt đối với hàng lậu lên nhiều so với quy định cũ.

Từ ngày 15/10/2020, khi Nghị định 98 có hiệu lực, bán hàng xách tay không giấy tờ bị xử phạt dựa trên giá trị hàng hóa như sau:

STT

Giá trị của hàng hóa nhập lậu

Mức phạt

1

Dưới 03 triệu đồng

500.000 - 01 triệu đồng

2

03 - dưới 05 triệu đồng

01 - 02 triệu đồng

3

05 - dưới 10 triệu đồng

02 - 04 triệu đồng

4

10 - dưới 20 triệu đồng

04 - 06 triệu đồng

5

20 - dưới 30 triệu đồng

06 - 10 triệu đồng

6

30 - dưới 50 triệu đồng

10 - 20 triệu đồng

7

50 - dưới 70 triệu đồng

20 - 30 triệu đồng

8

70 - dưới 100 triệu đồng

30 - 40 triệu đồng

9

Trên 100 triệu đồng

40 - 50 triệu đồng

Đặc biệt, phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên đối với:

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…

Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

>> Từ 15/10, bán mỹ phẩm giả bị phạt đến 100 triệu đồng

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục