Hàng xách tay có phải hàng lậu? Mức phạt với hàng lậu là gì?

Kinh doanh hàng xách tay hiện nay rất phổ biến, thậm chí được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, xét về vấn đề pháp lý, liệu các cơ sở kinh doanh hàng xách tay có đang làm đúng luật?

Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu?

Pháp luật hiện hành không có quy định về hàng xách tay. Khái niệm này được người tiêu dùng ngầm hiểu là những mặt hàng do cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam bằng đường hàng không. Đó có thể là hàng do những người đi du lịch, du học sinh, tiếp viên hàng không… xách về sau những chuyến du lịch, chuyến bay của tiếp viên.

Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay rất ưa chuộng hàng xách tay bởi theo quảng cáo của những người bán hàng thì do “xách về” nên những hàng hóa này có giá thành rẻ hơn vì không phải chịu thuế, không phải làm thủ tục khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu theo thủ tục thông thường.

Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98 năm 2020 do Chính phủ ban hành, hàng hóa nhập lậu gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Nếu theo đúng như quảng cáo của những người bán hàng, do xách về nên hàng hóa không phải nộp thuế, không làm thủ tục hải quan… thì những hàng hóa này chính là hàng hóa nhập lậu theo Nghị định 98.

Tuy nhiên, không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như có hoá đơn chứng từ kèm theo rõ ràng, không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, hàng hoá có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định…

Hàng xách tay có phải hàng lậu? Mức phạt với hàng lậu từ 15/10/2020
Hàng xách tay có phải hàng lậu? Mức phạt với hàng lậu là gì? (Ảnh minh họa)

Mức phạt khi kinh doanh hàng xách tay nhập lậu

Mức phạt với việc kinh doanh hàng xách tay nhập lậu dựa trên giá trị hàng hóa theo Nghị định 98 như sau:

STT

Giá trị của hàng hóa nhập lậu

Mức phạt

1

Dưới 03 triệu đồng

500.000 - 01 triệu đồng

2

03 - dưới 05 triệu đồng

01 - 02 triệu đồng

3

05 - dưới 10 triệu đồng

02 - 04 triệu đồng

4

10 - dưới 20 triệu đồng

04 - 06 triệu đồng

5

20 - dưới 30 triệu đồng

06 - 10 triệu đồng

6

30 - dưới 50 triệu đồng

10 - 20 triệu đồng

7

50 - dưới 70 triệu đồng

20 - 30 triệu đồng

8

70 - dưới 100 triệu đồng

30 - 40 triệu đồng

9

Trên 100 triệu đồng

40 - 50 triệu đồng

Đặc biệt, phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên đối với:

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…

Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân.

Ngoài ra, việc kinh doanh hàng hóa “trốn thuế” còn có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015.

Những rủi ro khi mua hàng xách tay

Thứ nhất, hàng xách tay là nhóm hàng nhập khẩu không chính thức, không chịu sự kiểm tra, giảm sát của Nhà nước vì thế khó biết được xuất xứ sản phẩm rõ ràng nên người tiêu dùng dễ dàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, theo Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, người nhập cảnh, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau:

- Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít;

- Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu;

- Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;

- Các vật phẩm khác (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng Việt Nam.

Riêng người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế… chỉ được hưởng định mức hành lý miễn thuế theo quy định nêu trên cứ 90 ngày 01 lần.

Với định mức chỉ 10 triệu đồng, thậm chí tiếp viên hàng không… cứ 90 ngày mới được miễn thuế 01 lần thì việc lượng hàng xách tay tràn ngập thị trường Việt Nam liệu có đảm bảo là hàng thật? Theo cơ quan chức năng Việt Nam, hiện nay không ít đơn vị mua hàng gần hết hạn của nước ngoài về dập lại hạn sử dụng hoặc bán hàng giả cho người tiêu dùng…

Rủi ro thứ hai liên quan đến hàng xách tay là không được bảo hành hoặc chỉ được bảo hành từ cơ sở bán hàng chứ không được bảo hành chính hãng.

Ngoài các rủi ro nêu trên, hàng nhập lậu chính là nguyên nhân gây thất thu thuế của Nhà nước, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước…

>> Đã có mức phạt khi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi từ 15/10/2020

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?

Gian lận về giá là một hành vi xảy ra khi doanh nghiệp cố tình tăng giá, khai báo sai giá trị hoặc sử dụng các thủ thuật không minh bạch để trục lợi từ người tiêu dùng. Vậy gian lận về giá là gì? Doanh nghiệp có hành vi gian lận về giá bị phạt bao nhiêu tiền?