Trong vài năm trở lại đây, hoạt động bán hàng xách tay trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những rủi ro khi bán hàng xách tay không phải ai cũng nắm rõ.
Bán hàng xách tay có phải đăng kí kinh doanh không?
Theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP, những trường hợp sau đây không phải đăng kí kinh doanh:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Như vậy, việc bán hàng xách tay có cần đăng kí kinh doanh hay không phụ thuộc vào quy mô và tần suất kinh doanh của người bán. Nếu chỉ là các hoạt động kinh doanh nhỏ, lẻ và không có địa điểm cố định thì không cần đăng kí kinh doanh. Tuy nhiên, cần phải cung cấp được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Ngược lại, kinh doanh hàng xách tay thường xuyên, quy mô lớn thì bắt buộc người chủ phải làm đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bán hàng xách tay có phải đăng kí kinh doanh không?
Rủi ro khi bán hàng xách tay không đăng kí kinh doanh?
Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về khái niệm “Hàng hóa nhập lậu” gồm:
- Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Hàng xách tay không đăng kí kinh doanh thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật nên được coi là hàng nhập lậu.
Nghị định 185/2013/NĐ-CP cũng quy định mức phạt cho hành vi kinh doan hàng hóa nhập lậu từ 200.000 đến 100.000.000 đồng tùy thuộc giá trị hàng hóa và loại hàng hóa.
Ngoài ra, còn bị tịch thu hàng hóa hoặc yêu cầu tiêu hủy.
Người có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu; chủ kho tàng, bến, bãi, nhà ở có hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu; người có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.