Người lao động khi ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng sẽ phải trích một phần tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thông qua công ty nơi mình làm việc. Vậy nếu làm việc cùng lúc nhiều công ty, người lao động phải đóng BHXH thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được quyền ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau. Khi làm việc theo nhiều hợp đồng lao động khác nhau cùng lúc, việc tham gia BHXH của người lao động sẽ có sự khác biệt so với những trường hợp chỉ làm việc theo một hợp đồng lao động. Cụ thể:
1. Đóng BHXH bắt buộc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên bắt buộc phải tham gia BHXH.
Trường hợp ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, người lao động chỉ phải đóng BHXH theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên (theo khoản 4 Điều 85 Luật BHXH năm 2014).
Trong đó, hàng tháng, người lao động phải trích đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức tiền sau:
Mức đóng = 8% x Tiền lương tháng đóng BHXH
+ Tiền lương đóng BHXH của người lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể tại hợp đồng lao động.
+ Tiền lương đóng BHXH tối đa = 20 lần mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng.
2. Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 41 Luật này, người lao động sẽ không phải đóng tiền vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động.
Khi ký hợp đồng với nhiều công ty, người lao động sẽ được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã ký.
Hằng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền tương ứng:
Mức đóng = 0,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động
+ Tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể tại hợp đồng lao động.
+ Tiền lương đóng BHXH tối đa = 20 lần mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng.
Xem thêm: Bảo hiểm tai nạn lao động: Đối tượng tham gia và mức đóng
3. Đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013 và quy định về hợp đồng lao động tại Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cũng theo Điều này, trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Mỗi tháng, người lao động sẽ phải đóng như sau:
Mức đóng = 1% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp
+ Tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
+ Tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng
4. Đóng bảo hiểm y tế
Theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Căn cứ Điều 13 Luật này, nếu có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Hàng tháng, người lao động sẽ phải đóng tiền vào quỹ bảo hiểm y tế với mức sau:
Mức đóng = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
+ Tiền lương đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận cụ thể tại hợp đồng lao động.
+ Tiền lương đóng BHXH bắt buộc tối đa = 20 lần mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng.
Xem thêm: Cập nhật mức đóng bảo hiểm y tế mới nhất
Trên đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề làm 2 công ty đóng bảo hiểm thế nào. Nếu còn thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT mới nhất>> Lương đóng bảo hiểm xã hội: 5 thông tin cần biết
>> Công ty nợ BHXH, quyền lợi của người lao động giải quyết thế nào?