Trường hợp nào cưỡng chế thu hồi đất?

Cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng mà Nhà nước áp dụng nhằm buộc người dân thực hiện quyết định thu hồi. Vậy, trường hợp nào cưỡng chế thu hồi đất? Thủ tục cưỡng chế thu hồi đất ra sao?

1. Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất đai thế nào?

Theo khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản. Về thời hạn cưỡng chế thu hồi đất sẽ được nêu rõ trong Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

2. Nguyên tắc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất

Khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất như sau:
- Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định.

- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

Theo đó, người bị cưỡng chế có thể dựa vào nguyên tắc trên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình nếu người thực hiện cưỡng chế không tuân thủ đúng quy định.

cưỡng chế thu hồi đất
Trường hợp nào bị cưỡng chế thu hồi đất? (Ảnh minh họa)

3. Trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất

Theo khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai 2013 (hướng dẫn tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP) cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế

Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế gồm:

- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là trưởng ban;

Thành viên gồm:

- Đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện;

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng,

- UBND cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

Bước 2: Vận động, thuyết phục, đối thoại

Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Bước 3: Tổ thức thực hiện cưỡng chế

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

- Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế;

- Nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Lưu ý: Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất.

4. Người dân làm gì khi bị cưỡng chế thu hồi đất trái luật?

Cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật là hành vi hành chính do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Do đó, khi người dân bị xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu giải quyết. Điều này đã được ghi nhận tại khoản Điều 204 Luật Đất đai 2013 như sau:

1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Như vậy, khi bị cưỡng chế thu hồi đất trái phép, người dân có thể khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu giải quyết quyền lợi. Theo đó:

- Khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất:

Căn cứ Điều 71 Luật Đất đai 2013, khi có căn cứ cho rằng hành vi cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn mà không được giải quyết thì khiếu nại lần 02 đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Khởi kiện cưỡng chế thu hồi đất:

Căn cứ khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung 2019 thì Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết khởi kiện về hành vi, quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo thủ tục sơ thẩm. Hồ sơ khởi kiện gồm:

  • Đơn khởi kiện;
  • Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện;
  • Bản chính quyết định hành chính hoặc chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quyết định có liên quan;
  • Bản chính Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có);
  • Giấy uỷ quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện);
  • Bản sao hộ khẩu, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
  • Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ bản chính, bản sao).
Trên đây là các trường hợp cưỡng chế thu hồi đất. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục