Cưỡng chế thu hồi đất trái phép xảy ra tại các địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Vậy, người dân cần làm gì khi bị cưỡng chế thu hồi đất?
1. Thế nào là cưỡng chế thu hồi đất trái phép?
Khi có quyết định thu hồi đất mà người sử dụng đất không chấp hành thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Việc cưỡng chế thu hồi đất phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan về:
- Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất;
- Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất;
- Thẩm quyền ra quyết định và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;
- Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất;
- Thời gian thi hành cưỡng chế thu hồi đất.
Như vậy, nếu việc cưỡng chế thu hồi đất không thực hiện theo đúng quy định pháp luật về các nội dung nêu trên thì được xác định là cưỡng chế thu hồi đất trái luật.
Căn cứ Điều 71 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền ra cưỡng chế thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành khi có các điều kiện sau đây:
- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.
Xem thêm: Quy trình cưỡng chế thu hồi đất mới nhất
2. Bị cưỡng chế thu hồi đất trái luật, người dân cần làm gì?
Khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định rõ:
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Theo đó, trường hợp cơ quan Nhà nước ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất trái luật hoặc quy trình cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định pháp luật,… người sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện.
Cụ thể:
2.1 Khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất
Khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại”.
Như vậy, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai (không được quy định và thực hiện theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn mà được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 và các văn bản hướng dẫn.
Theo Điều 71 Luật Đất đai 2013, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, do đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất lần đầu. Quy trình khiếu nại như sau:
Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại
Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 2. Thụ lý đơn
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;
- Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.
Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
- Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4. Tổ chức đối thoại
- Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
- Việc đối thoại phải được lập thành biên bản, kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại và gửi kết quả giải quyết khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
2.2 Khởi kiện cưỡng chế thu hồi đất
Do chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất là Chủ tịch UBND cấp huyện nên căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung 2019 thì sẽ do Toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Trình tự, thủ tục khởi kiện như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện;
- Bản chính quyết định hành chính hoặc chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quyết định có liên quan;
- Bản chính Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có);
- Giấy uỷ quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện);
- Bản sao hộ khẩu, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ bản chính, bản sao);
Người khởi kiện phải nộp 02 bộ hồ sơ khởi kiện để Tòa án thông báo việc khiếu kiện cho người bị kiện.
- Bước 2: Gửi hồ sơ khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền
- Bước 3: Toà án nhận đơn và xem xét đơn khởi kiện
- Bước 4: Thông báo kết quả xử lý đơn cho người khởi kiện
- Bước 5: Thông báo thụ lý vụ án cho người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Bước 6: Chuẩn bị xét xử
- Bước 7: Mở phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm (nếu có)
3. Có được tiếp tục cưỡng chế thu hồi đất trong thời gian giải quyết khiếu nại?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành, hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định.
Căn cứ theo quy định nêu trên, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chưa có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì vẫn tiếp tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 17 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, có 14 trường hợp Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, trong đó có trường hợp gây thiệt hại do thu hồi đất.
Vì vậy, trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Trên đây là nội dung giải đáp về Cưỡng chế thu hồi đất trái phép. Mọi vấn đề còn vướng mắc liên quan đến đất đai, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.