Người trong vùng dịch có bắt buộc tiêm vắc xin phòng Covid-19?

Việt Nam hiện đang phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 diện rộng trên toàn quốc, đặc biệt tại khu vực phía Nam nơi dịch đang diễn biến phức tạp. Vậy có bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19?

Có bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 không?

Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam với tính chất là bệnh truyền nhiễm nhóm A, mức độ nguy hiểm ở mức đại dịch toàn cầu.

Trong đó, tại Điều 29 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định:

Điều 29. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc

1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

2. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

3. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

4. Miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:

a) Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;

b) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;

c) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo đó, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng để phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở vùng dịch.

Tuy nhiên, trong danh mục các bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại Thông tư 38/2017/TT-BYT hiện chưa được bổ sung vắc xin Covid-19.

Vì vậy, các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện chính sách khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe chứ chưa có quy định bắt buộc người dân phải tiêm vắc xin Covid-19.

Trường hợp, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu bắt buộc người đủ điều kiện tiêm chủng đi tiêm vắc xin mà người đó từ chối hoặc trốn tránh thì có thể bị phạt hành chính từ 01 - 03 triệu đồng theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:

Điều 9. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

[…]

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

co bat buoc tiem vac xin covid-19 khongCó bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 không? (Ảnh minh họa)

Đối tượng, địa bàn ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin Covid-19

Tại Điều 2 Nghị quyết 21/NQ-CP năm 2021 quy định về đối tượng, địa bàn được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 như sau:

Đối tượng ưu tiên tiêm miễn phí

- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm:

+ Người làm việc trong các cơ sở y tế;

+ Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

+ Quân đội; Công an.

- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

- Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

- Người sinh sống tại các vùng có dịch.

- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

- Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Địa bàn: Tiêm trước cho các đối tượng ưu tiên trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

Căn cứ khả năng cung ứng vắc xin, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.

Trên đây là giải đáp thắc về việc có bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 không? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được giải đáp.

>> Infographic: Các lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 

>> Không tuân thủ quy định cách ly Covid-19, phạt tù đến 12 năm
Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

Luật sửa đổi 9 Luật: Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Thuế thu nhập cá nhân, Dự trữ quốc gia, Xử lý vi phạm hành chính được thông qua ngày 29/11/2024. Dưới đây là tổng hợp điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán:

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có bao nhiêu chương, điều? Có hiệu lực ngày nào?

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có bao nhiêu chương, điều? Có hiệu lực ngày nào?

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có bao nhiêu chương, điều? Có hiệu lực ngày nào?

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 27/06/2024 với nhiều quy định đáng chú ý. Trong nội dung hôm nay cùng tìm hiểu Luật này có bao nhiêu chương, điều? Hiệu lực khi nào?