Sau nhiều ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì mới đây, TP. Hồ Chí Minh vừa phát hiện thêm nhiều ca dương tính mới do không tuân thủ quy định cách ly. Vậy người không tuân thủ quy định cách ly bị xử lý như thế nào?
Không tuân thủ cách ly khiến nguy cơ dịch bùng phát
Các hành vi không tuân thủ quy định cách ly như: Trốn khỏi khu vực cách ly, tự ý tiếp xúc với người khác khi chưa được cho phép,... là một trong những nguồn lây bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm.
Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, sau gần 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng thì tại Việt Nam đã xuất hiện lại người mắc Covid-19. Người này trong quá trình cách ly đã không thực hiện đúng cam kết cách ly khi tự ý tiếp xúc với người thân, bạn bè, từ đó làm lây bệnh cho nhiều người khác.Việc không tuân thủ cách ly này không chỉ gây thiệt hại về thời gian, công sức, tiền bạc cho Nhà nước để thực hiện công tác phòng chống dịch mà còn có nguy cơ là tác nhân khiến dịch bùng phát trở lại Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm mà người không tuân thủ các quy định cách ly sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không tuân thủ cách ly bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng
Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được quy định như sau:
Như vậy, nếu cá nhân không tuân thủ cách ly Covid-19 theo các quy định trên thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…”
Phạt tù đến 12 năm nếu không tuân thủ cách ly
Tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC nêu rõ:
“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.”
Như vậy, việc không tuân thủ quy định cách ly là một trong những hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly theo quy định của Điều 240 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác tại Điều 240 như:
- Phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.
- Phạt tù từ 10 - 12 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.
Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù đến 12 năm.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Trên đây là một số quy định về xử lý hành vi không tuân thủ cách ly Covid-19. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người tự cách ly tại nhà hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú. |