Phạt nguội đang góp phần tích cực trong việc phát hiện phương tiện vi phạm giao thông trên đường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hình thức này lại không thể xác định chính xác người vi phạm. Vậy trường hợp cho mượn xe bị phạt nguội, chủ xe có phải nộp phạt thay hay không?
Xe cho mượn dính phạt nguội, chủ xe bắt buộc phải đến làm rõ
Căn cứ Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và xử lý vi phạm.
Thông qua các phương tiện trên, nếu xác định có vi phạm, CSGT sẽ mời các cá nhân, tổ chức có liên quan đến phương tiện vi phạm đến trụ sở đơn vị CSGT để làm rõ.
Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Theo đó, trường hợp xe dính phạt nguội, chủ xe sẽ được gửi thông báo yêu cầu đến trụ sở của đơn vị CSGT để giải quyết vụ việc. Chủ phương bắt buộc phải đến và có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người trực tiếp lái xe thực hiện hành vi vi phạm.
Xem thêm: 4 cách tra cứu phạt nguội toàn quốc nhanh và chuẩn xác nhất
Cho mượn xe bị phạt nguội có phải nộp phạt thay? (Ảnh minh họa)
Cho mượn xe bị phạt nguội, chủ xe phải nộp phạt thay?
Như đã đề cập, khi phương tiện dính phạt nguội, chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Cũng theo khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019, trường hợp không chịu phối hợp hoặc không chứng minh, giải trình để xác định được người đã lái xe vi phạm thì chủ xe sẽ bị xử phạt theo hành vi vi phạm bị phát hiện. Cụ thể:- Chủ xe là cá nhân: Bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;
- Chủ xe là tổ chức: Bị xử phạt tiền bằng 02 lần mức xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Như vậy, trường hợp cho mượn xe mà bị phạt nguội, nếu chủ xe không chứng minh được mình không phải là người lái xe vi phạm hoặc không giải trình để xác định người vi phạm thì sẽ phải nộp phạt thay.
Nhưng nếu chứng minh được mình không thực hiện và hỗ trợ CSGT xác định chính xác người vi phạm, chủ xe sẽ không phải nộp phạt.
Xem thêm: Cho người khác mượn xe, khi nào chủ xe bị phạt?
Người mượn xe không nộp phạt nguội, có sao không?
Như đã phân tích, nếu chủ xe xác định được người lái xe vi phạm thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào người vi phạm cũng thực hiện đúng.
Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người vi phạm nếu không nộp phạt nguội đúng hạn thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Theo hướng dẫn tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau:
- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;
- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người mượn xe không chịu nộp phạt nguội, chủ xe cũng có thể gặp phải rắc rối trong trường hợp phương tiện vi phạm là ô tô. Bởi nếu quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Khi đó, chiếc xe này sẽ bị đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.
Vì vậy, để được đăng kiểm, chủ xe chỉ còn cách liên hệ người vi phạm nhanh chóng nộp phạt hoặc tự mình nộp thay để được giải quyết việc đăng kiểm. Do đó, để không rơi vào tình trạng này, chủ phương tiện cần hết sức lưu ý khi cho người khác mượn xe của mình.
Xem thêm: Không nộp phạt vi phạm giao thông có sao không?
Trên đây là giải đáp thắc mắc về việc cho mượn xe bị phạt nguội chủ xe có phải nộp phạt thay hay không. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.