Khách thuê xe tự lái “dính” phạt nguội: Chủ xe có phải nộp phạt?

Nhiều trường hợp sau khi đã thanh lý hợp đồng thuê xe với khách, chủ xe bỗng nhận được thông báo phạt nguội từ cơ quan công an. Vậy với lỗi phạt nguội do khách thuê xe gây ra, chủ xe có phải nộp phạt thay?


Xe cho thuê bị phạt nguội, chủ xe có phải nộp phạt thay?

Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Theo đó, khi xe dính phạt nguội, phía Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến làm việc để giải quyết vụ việc vi phạm.

Trong trường hợp xe cho thuê bị phạt nguội, chủ xe sẽ là người được CSGT liên hệ xử lý, vì đó là thông tin duy nhất mà cơ quan chức năng có để ra quyết định xử phạt.

Lúc này, dù không trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm nhưng chủ xe vẫn bắt buộc phải đến theo thông báo và có nghĩa vụ hợp tác với lực lượng CSGT để xác định người trực tiếp lái xe thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp chứng minh được mình không thực hiện và hỗ trợ CSGT xác định chính xác người vi phạm, chủ xe sẽ không phải nộp phạt nguội.

Mặc dù trong hợp đồng cho thuê xe tự lái thường có thông tin của người thuê nhưng khi nhận thông báo về phạt nguội, chủ xe chưa chắc đã liên hệ được với người thuê do họ đã thay đổi số điện thoại, địa chỉ.

Nếu không chứng minh, giải trình được mình không phải người điều khiển phương tiện vi phạm, chủ xe sẽ bị xử phạt vi phạm về lỗi phạt nguội được phát hiện.


Làm thế nào để tránh rủi ro khi xe cho thuê dính phạt nguội?

Như đã phân tích, khi xe cho thuê dính phạt nguội mà chủ xe chứng minh được mình không phải người điều khiển đồng thời hỗ trợ lực lượng CSGT xác minh được người vi phạm thì sẽ không phải nộp phạt nguội.

Tuy nhiên nếu bên kia cố tình không nộp phạt nguội, chủ xe sẽ vướng vào rắc rối với việc đăng kiểm ô tô. Bởi nếu để quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo đưa phương tiện vào phần mềm cảnh báo đăng điểm, dẫn tới phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Để tránh rơi vào rắc rối trên, chủ xe có thể thực hiện như sau:

1 - Làm hợp đồng thuê rõ ràng

Khi lập hợp đồng thuê xe, chủ xe cần quy định rõ các nội dung liên quan đến việc chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng khi lái xe để xảy ra vi phạm để sau ngày nếu phải nộp phạt thay cho bên thuê xe thì có căn cứ để yêu cầu hoàn trả.

Nếu bên thuê không trả có thể khởi kiện yêu cầu bên thuê trả tiền.

2 - Yêu cầu cọc tiền khi bàn giao xe

Khi nhận bàn giao xe, chủ xe có thể yêu cầu bên thuê cọc tiền trong thời gian từ 20 ngày - 01 tháng. Trong thời gian đó, chủ xe cần kiểm tra phạt nguội trên các website hỗ trợ kiểm tra phạt nguội. Nếu có vi phạm đối với xe đã cho thuê, chủ xe chủ động khấu trừ tiền cọc để nộp phạt.

Trường hợp không phát hiện vi phạm trong thời hạn cọc tiền, chủ xe trả lại cho bên thuê số tiền cọc đã giữ.

Xem thêm: Không nộp phạt vi phạm giao thông có sao không?

Trên đây là những thông tin liên quan đến việc xử lý khi khách thuê xe tự lái dính phạt nguội. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

>> Từ 21/5/2022, hết cảnh lặn lội đường xa nộp phạt nguội
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục