1. Chở đào quất bằng xe máy có thể bị phạt đến 600.000 đồng
Trong những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe chở đào, quất “vi vu” khắp các nẻo đường. Để tiện chuyến và chở được nhiều đào quất nhất có thể, nhiều người đã gộp nhiều cành đào, quất để chở chung, trông rất cồng kềnh.
Thậm chí có những câu quất, cây đào khá to nhưng để tiết kiệm chi phí vận chuyển, người dẫn cũng chỉ sử dụng phương tiện là xe máy để vận chuyển.
Nếu bị Cảnh sát giao thông bắt gặp đang chở đào quất cồng kềnh, người đi xe máy có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
k) Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
Theo quy định này, người tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng nếu chở đào quất cồng kềnh đi trên đường.
2. Chở đào quất bằng xe máy gây tai nạn, phải bồi thường thế nào?
Nếu chở đào quất quá cồng kềnh mà gây tai nạn cho người tham gia giao thông khác thì người lái xe máy chở đào quất sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự hiện hành, các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, trong đó có xe máy được liệt kê là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ.
Với thiệt hại xảy ra do xe máy gây nên thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:
- Bồi thường tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng.
- Bồi thường lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Bồi thường chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm:
- Bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng của người bị thiệt hại.
- Bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
- Bồi thường chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
- Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì bồi thường cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Dịp cận Tết, tình hình xe cộ đi lại đông đúc, rất dễ xảy ra va chạm. những chiếc xe đào quất thì chất hàng cồng kềnh gây hạn chế tầm nhìn, cộng thêm khối lượng của các cây đào, cây quất cũng không phải là nhẹ gây khó khăn cho việc di chuyển.
3. Xếp đào quất lên xe máy thế nào để không bị phạt?
Để không bị xử phạt khi chở đào quất bằng xe máy đi trên đường, người điều khiển phương tiện cần chú ý đảm bảo tuân thủ các quy định về xấp hàng hóa trên xe máy:
- Đào quất xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn và không cản trở việc điều khiển xe (theo khoản 1 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ).
- Khi xếp hàng đào quất vượt phía trước và phía sau xe máy: Ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu (theo khoản 2 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ).
- Không được xếp đào quất vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp đào quất tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét (theo khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT).
Trên đây là thông tin cảnh báo đối với các trường hợp chở đào quất bằng xe máy vi vu trên đường. Nếu không muốn bị phạt, người dân cần nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông.
Trường hợp bạn đọc còn vướng mắc về các nội dung mà bài viết đề cập, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.