6 chính sách nổi bật 2021 ảnh hưởng hàng triệu người dân Việt Nam

Tiếp nối 2020, năm 2021 cũng là một năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Kéo theo đó, nhiều chính sách pháp luật được ban hành để thích ứng với tình hình kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dưới đây, LuatVietnam sẽ điểm lại một số chính sách nổi bật trong năm 2021.

 

chinh sach noi bat 2021
Năm 2021 chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Đây cũng là năm chứng kiến những quyết sách cần kíp, kịp thời của Nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, một trong chính sách đó là giãn cách xã hội.

“Chỉ thị 16” có lẽ là văn bản được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh; mọi người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết…

Thực hiện Chỉ thị 16, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian rất dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… và ngay cả thủ đô Hà Nội.

- TP. Hà Nội: Bắt đầu từ 06 giờ ngày 24/7/2021, TP. Hà Nội ban hành hàng loạt các văn bản về việc giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động tập trung đông người… gồm Chỉ thị 17, Công điện 18, Chỉ thị 20, Chỉ thị 22.

- TP. Hồ Chí Minh: Từ ngày 31/5/2021, TP. HCM ban hành nhiều Văn bản về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, từ 19/7/2021, 19 tỉnh phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX…

Giãn cách xã hội được cho là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19.

Xem thêm: Thế nào là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16?

 

chinh sach noi bat 2021

Giãn cách xã hội đã nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, giãn cách xã hội thời gian quá dài khiến cuộc sống người dân cũng gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Với tình hình cụ thể của nước ta, không thể luôn giãn cách xã hội trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, để đưa cuộc sống trở lại tình trạng bình thường mới song song với phát triển kinh tế, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Theo đó, tạm dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 và Chỉ thị 19 mà phân loại dịch theo 04 cấp độ: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Đồng thời, Nghị quyết này cũng đưa ra các hoạt động được hoạt động và không được hoạt động tương ứng với từng cấp độ dịch nêu trên. Các địa phương được áp dụng linh hoạt quy định về phân cấp độ dịch này nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sinh hoạt của nhân dân.

Xem thêm: "Thích ứng an toàn" theo Nghị quyết 128: Người dân cần biết gì?


chinh sach noi bat 2021

Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, để đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới, nhằm giúp đỡ người dân “chống chọi” với sức “tàn phá kinh khủng” của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Một số chính sách nổi bật như:

- Hỗ trợ lao động tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày trở lên (mức hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người hoặc 3,71 triệu đồng/người); người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (3,71 triệu đồng/người) … và hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên từ 01/5 - 31/12/2021 là 03 triệu đồng/hộ theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

- Hỗ trợ người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 hoặc đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2020 - 30/9/2021 nhưng được bảo lưu… theo Nghị quyết 116/NQ-CP.

- Hỗ trợ phụ cấp cho người tham gia phòng, chống Covid-19 như người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; y, bác sĩ trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 tại khu cách ly; người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung… theo Nghị quyết 16/NQ-CP.

- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 nếu doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu năm 2019 theo quy định tại Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH…

Xem thêm: Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19


chinh sach noi bat 2021

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng với một bộ phận lao động khác, cũng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà tiền lương của người lao động trong khối doanh nghiệp và trong khối Nhà nước cũng không tăng khi:

- Không cải cách tiền lương: Đây có lẽ là tin không vui nhất của cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2021 này. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15, cải cách tiền lương sẽ được lùi thời điểm áp dụng mà ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Khi đó, cán bộ, công chức, viên chức, người làm trong quân đội, công an sẽ vẫn hưởng lương như hiện tại mà không được xây dựng các bảng lương mới với số tiền cụ thể, theo vị trí việc làm, không còn “cào bằng” lương theo công thức: Lương = Mức lương cơ sở x Hệ số.

- Không tăng lương cơ sở: Trước đây, từ 2019 trở về trước, mỗi năm lương cơ sở đều tăng. Kéo theo đó, lương cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng theo. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lương cơ sở năm 2021 không tăng mà vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng theo mức lương cơ sở năm 2020 tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP.

- Không tăng lương tối thiểu vùng: Cũng giống lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Đây là mức lương thấp nhất các doanh nghiệp phải trả cho người lao động.

Trong năm 2021, cũng vì ảnh hưởng của Covid-19 mà lương tối thiểu vùng cho người lao động cũng không tăng mà vẫn áp dụng mức cũ gồm: Vùng I: 4,42 triệu đồng/tháng; Vùng II: 3,92 triệu đồng/tháng; Vùng III: 3,43 triệu đồng/tháng; Vùng IV: 3,07 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, dự đoán trong năm 2022 tới đây, mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng có thể cũng sẽ không tăng.

Xem thêm: Toàn cảnh chính sách tiền lương năm 2022


chinh sach noi bat 2021

Năm 2021 cũng là năm có thay đổi lớn về giấy tờ tùy thân của người dân. Đó là việc đồng loạt cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip trên cả nước.

So với CCCD mã vạch thì CCCD gắn chip có ưu điểm vượt trội hơn như mức độ bảo mật cao; chip lưu thông tin sinh trắc nên thông tin cá nhân không bị giả mạo, thay thế; tích hợp nhiều giấy tờ khác nên khi thực hiện giao dịch, công dân không cần mang theo nhiều giấy tờ…

Bởi nhiều ưu điểm của CCCD gắn chip cùng với tiến tới sẽ quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm thủ tục hành chính nên Bộ Công an đã đặt mục tiêu hoàn thành cấp 50 triệu CCCD gắn chip cho người dân trước ngày 01/7/2021 và đã hoàn thành trước thời hạn.

Theo đó, người người, nhà nhà đi làm CCCD gắn chip, các điểm cấp CCCD lưu động được thành lập, hàng ngàn người xếp hàng đến tận đêm khuya để làm thủ tục cấp lại loại giấy tờ tùy thân được cho là nhiều ưu việt này.

Trong năm 2021, Bộ Công an cũng đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản quy định về Căn cước công dân gắn chip gồm: Thông tư 06/2021/TT-BCA về mẫu CCCD gắn chip mới, Thông tư số 59/2021/TT-BCA sửa đổi Luật Căn cước công dân; Thông tư số 60/2021/TT-BCA về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân…

Ngoài ra, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên phí, lệ phí làm Căn cước công dân đang được giảm 50% đến hết 31/12/2021.

Do số lượng CCCD cần làm quá lớn, cộng với việc ảnh hưởng bởi dịch bệnh phức nên thực tế, thời gian trả CCCD không đúng như quy định, thậm chí nhiều người đã làm CCCD từ cách đây nhiều tháng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Đây là một vấn đề nhức nhối và là nỗi phiền lòng của rất nhiều người dân hiện nay.

Xem thêm: 5 điểm mới khi làm Căn cước công dân gắn chip từ 01/7/2021


chinh sach noi bat 2021

Mặc dù Luật Cư trú đã được ban hành trong năm 2020 nhưng từ 01/7/2021, Luật này mới chính thức có hiệu lực. Theo đó, khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 nêu rõ:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Như vậy, từ 01/7/2021, sẽ thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú nếu người dân đi làm các thủ tục về cư trú dẫn đén thay đổi thông tin trên Sổ cùng với sẽ không cấp mới Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà cập nhật thay đổi thông tin về cư trú của công dân lên Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Và đến 2023, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy đã cấp mới hoàn toàn bị “khai tử” và thay vào đó, công an sẽ quản lý thông tin cư trú trên hệ thống Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đặc biệt, trong năm 2021, điều kiện nhập khẩu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng được “nới lỏng” hơn rất nhiều so với trước đây. Đó là không còn điều kiện riêng để nhập khẩu hai thành phố lớn này nữa.

Trên đây là tổng hợp 06 chính sách nổi bật 2021 ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của hàng triệu người dân Việt Nam. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được tư vấn, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục