Quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông được tiến hành như thế nào mới đúng luật? Không ít người dân bị “chặn” xe ngang đường thắc mắc về vấn đề này. Sau đây là thông tin về quy trình chi tiết.
Cảnh sát giao thông được dừng xe trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm soát giao thông khi có một trong các căn cứ sau:
(1) Cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội đã được ban hành.
(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
(4) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và xe tham gia giao thông.
Khi dừng xe của người đi đường, Cảnh sát giao thông phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông được quy định thế nào?
Theo quy định tại Mục 2 Chương III Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông được tiến hành như sau:
Bước 1. Ra hiệu lệnh dừng phương tiện
Theo Điều 17 Thông tư 32/2023/TT-BCA, hiệu lệnh dừng được thực hiện thông qua các tín hiệu sau:
- Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
- Các tín hiệu khác gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
Cảnh sát giao thông có thể sử dụng một tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời nhiều tín hiệu.
Trường hợp dừng xe tại Trạm hoặc tại một điểm trên đường, Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện, phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn.
Tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn tài xế dừng xe vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.Bước 2. Đề nghị tài xế xuống xe
Theo Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA, khi phương tiện đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, CSGT đứng ở vị trí phù hợp, an toàn và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống xe.
Bước 3. Chào người tham gia giao thông theo Điều lệnh
Cảnh sát giao thông thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã thì không cần chào theo Điều lệnh).
Lưu ý, khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.Bước 4. Thông báo lý do dừng xe và yêu cầu xuất trình giấy tờ
CSGT thông báo cho người điều khiển phương tiện, những người trên xe biết lý do kiểm soát và đề nghị người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện hoặc thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử VNeID để kiểm soát.Các giấy tờ đó bao gồm:
- Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm theo Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe).
- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (xe phải đăng kiểm).
- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan.
Bước 5. CSGT tiến hành kiểm soát người và phương tiện
CSGT thực hiện kiểm soát các nội dung sau đây:
- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện: Lái xe xuất trình giấy tờ bản giấy thì CSGT kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó. Trường hợp cung cấp thông tin giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì CSGT kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tài khoản VNeID.Trong quá trình kiểm tra mà phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ bản giấy để xử lý theo quy định.
- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện: Kiểm soát từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới về hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số và hai bên thành xe; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.- Kiểm soát việc chấp hành các quy định về an toàn vận tải: Kiểm soát tính hợp pháp của hàng hoá, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở và các biện pháp bảo đảm an toàn.
Bước 6. Thông báo lỗi vi phạm
Sau khi kết thúc kiểm soát, CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý.
Lưu ý: Nếu xe chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên thì Cảnh sát giao thông trực tiếp lên khoang chở người kiểm soát và thông báo kết quả.
Bước 7. Lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ
Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính, Cảnh sát giao thông được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ đối với hành vi vi phạm giao thông được áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc vi phạm có mức phạt tiền cao hơn 250.000 đồng đối với cá nhân, cao hơn 500.000 đồng đối với tổ chức thì đều phải lập thành biên bản.
Trên đây là quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm. Nếu còn nội dung vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp.