[Giải đáp] Trường hợp nào cha mẹ được yêu cầu ly hôn thay con?

Việc ly hôn xảy ra giữa vợ và chồng khi hai người muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng, có trường hợp nào, cha mẹ được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thay các con không?


Cha mẹ có được yêu cầu ly hôn thay vợ, chồng con không?

Câu hỏi: Xin chào luật sư. Tôi có một người con gái tên là Mai. Cháu cưới chồng được 10 năm nay rồi. Hai vợ, chồng sống với nhau cũng rất hạnh phúc. Nhưng một năm trở lại đây, tự nhiên cháu phát bệnh tâm thần, điều trị mãi không khỏi. Chồng con bé ban đầu cũng yêu thương nó lắm, chạy chữa mãi nhưng vẫn không khỏi. Dạo gần đây, chồng nó đổ đốn, thường xuyên đánh đập, mắng nhiếc con tôi. Xót con nên tôi đã đón cháu về ở với chúng tôi nhưng chồng Mai vẫn đến để bắt cháu nó về nhà dù về nhà thì chồng Mai sẽ đánh cháu nó suốt. Nhìn con ốm đau lại còn bị đánh đập thế sao tôi đành lòng được. Không biết, với tư cách là mẹ cháu thì tôi có được yêu cầu Tòa án cho con gái tôi ly hôn không?

Trả lời:

Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn gồm:

- Vợ, chồng (ly hôn đơn phương) hoặc cả hai người (ly hôn thuận tình).

- Cha, mẹ, người thân thích khác: Một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình và là nạn nhân bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tinh thần một cách nghiêm trọng.

Theo quy định này, cha, mẹ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thay cho con nếu đáp ứng điều kiện nêu trên. Trong đó, bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Với câu hỏi của bác, do con gái bác bị tâm thần, lại thường xuyên bị chồng đánh đập, mắng nhiếc nên bác có thể thay con mình gửi đơn cho Tòa án yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, để Tòa án chấp nhận đơn và giải quyết việc ly hôn cho con gái bác thì phải có chứng cứ chứng minh việc con rể bác đánh đập con gái bác và làm sức khỏe, tính mạng, tinh thần con bác lâm vào tình trạng trầm trọng.

Một trong những tài liệu, chứng cứ chứng minh có thể là giấy xác nhận của bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh về tình trạng sức khỏe của con gái bác do bị đánh đập thường xuyên hoặc biên bản hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc con rể bác đánh con gái bác và được tổ hòa giải cơ sở hòa giải mà không thành.

Để được yêu cầu ly hôn, bác cần phải chuẩn bị giấy tờ sau:

- Đơn xin ly hôn đơn phương.

- Giấy tờ, chứng cứ chứng minh con gái bác bị tâm thần và bị bạo lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng…

- Giấy tờ nhân thân của con gái cùng con rể bác như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn, sổ hộ khẩu…

Sau đó, bác gửi đến Tòa án cấp huyện nơi con rể bác làm việc, thường trú hoặc tạm trú. Trong thời gian quy định, nếu có đủ căn cứ thì Tòa án sẽ xem xét, giải quyết ly hôn cho con gái bác và con rể của bác.

Nếu tình huống của bạn đọc không giống ở trên, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

cha me duoc yeu cau ly hon thay con


Cha, mẹ có được “bắt” con phải ly hôn không?

Câu hỏi: Em với chồng mới kết hôn được một năm nay nhưng do ngay từ khi về ra mắt, mẹ anh ấy đã không ưng em rồi. Nhưng do yêu nhau nên bọn em vẫn quyết lấy nhau. Tuy nhiên, sau khi cưới, mẹ anh ấy luôn bắt anh ấy phải ly hôn với em vì nhiều lý do. Thậm chí còn hay lấy lý do này, lý do kia để bắt anh ấy về nhà ở với ông bà. Vậy cho em hỏi, cha mẹ có được quyền bắt con cái phải ly hôn không? Chứ mỗi ngày em sống áp lực quá.

Trả lời:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ, chồng ly hôn theo hai hình thức:

- Ly hôn thuận tình: Khi cả hai người đã thỏa thuận được về việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng, chia tài sản chung, nợ chung, giành quyền nuôi con…

- Ly hôn đơn phương: Hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đây là việc một trong hai vợ, chồng yêu cầu ly hôn và sẽ được Tòa án giải quyết nếu đáp ứng điều kiện:

+ Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

+ Hành vi nêu trên khiến cuộc hôn nhân của vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng, không thể kéo dài đời sống chung khiến mục đích của cuộc hôn nhân không đạt được.

- Vợ, chồng yêu cầu khi một trong hai người còn lại bị Tòa án tuyên bố mất tích.

Có thể thấy, việc ly hôn là quyết định của hai vợ, chồng. Cha, mẹ chỉ được yêu cầu Tòa án ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình:

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Do đó, nếu không thuộc trường hợp nêu trên thì cha, mẹ không được thay con gửi yêu cầu ly hôn. Đồng thời, hai vợ chồng chỉ ly hôn khi cả hai hoặc một trong hai có mong muốn ly hôn và có bằng chứng để yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn đơn phương.

Nếu mẹ chồng bạn một mực ép chồng bạn ly hôn với bạn thì bà có thể bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền là 100.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, mẹ chồng bạn chỉ bị phạt nếu ép hai vợ, chồng bạn ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc thủ đoạn khác.

Xem thêm: Ly hôn vì mẹ chồng, Tòa án có chấp nhận không?

Trên đây là quy định về việc cha mẹ được yêu cầu ly hôn thay con. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường trên toàn cầu, việc hợp tác với các công ty nước ngoài cũng trở nên phổ biến. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng, cùng theo dõi bài viết ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?