Xâm phạm mồ mả không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức, thuần phong mỹ tục mà còn vi phạm điều cấm của pháp luật. Vậy, Tội xâm phạm mồ mả bị xử lý thế nào?
1. Tội xâm phạm mồ mả là gì?
Tội xâm phạm mồ mả hiện nay được quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó hành vi xâm phạm mồ mả gồm:
- Đào, phá mồ mả;
- Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ;
- Có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Trong đó, đào, phá mồ mả là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mà không còn nguyên vẹn như trước. Hành vi đào, phá mồ mả có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ, mục đích khác nhau như:
- Để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố;
- Để trả thù thân nhân người đã mất;
- Để che giấu hành vi phạm tội…
Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: Đào mộ để chuyển mộ; đập phá một vài hoa tiết trang trí trên mộ…
Với hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì thường đi kèm với hành vi đào, phá mộ. Ngoài ra cũng có trường hợp người phạm tội không đào, phá mộ nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ như: Lợi dụng việc bốc mộ đã chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ...
Ngoài hành vi đập phá, chiếm đoạt đồ vật có giá trị ở trong mộ, trên mộ, xâm phạm mồ mả còn được thực hiện bởi các hành vi là bất cứ hành vi nào xâm phạm đến mồ mả, hài cốt.
Tóm lại, xâm phạm mồ mả là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm mồ mả. Người thực hiện một trong các hành vi này một cách cố ý có thể bị xử lý về Tội xâm phạm mồ mả quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự.
2. Mức phạt Tội xâm phạm mồ mả mới nhất 2023
Mức phạt Tội xâm phạm mồ mả được quy định rõ tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó các khung hình phạt áp dụng với tội này như sau:
- Khung 01:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm mồ mả.
- Khung 02:
Phạt tù từ 02 – 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
+ Vì động cơ đê hèn;
+ Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
3. Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi xâm phạm mồ mả thế nào?
Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị xâm phạm theo Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015 về chi phí khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra, gồm các khoản:
- Chi phí mua vật liệu xây dựng;
- Chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người gây thiệt hại đã gây ra…
Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các khoản nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết, trường hợp không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trên đây là giải đáp về mức phạt Tội xâm phạm mồ mả mới nhất 2025. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ.