1. Thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?
Tài khoản ngân hàng do ngân hàng cung cấp cho khách hàng của mình dưới dạng một dãy số gồm 8 chữ số đến 15 chữ số tùy từng ngân hàng. Số tài khoản giúp khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính nhanh chóng, chính xác và an toàn. Theo đó, mỗi cá nhân có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng cùng lúc.
Hiện tượng mua bán trái phép tài khoản ngân hàng đã xuất hiện từ trước đây tuy nhiên lại có dấu hiệu gia tăng trong thời gian trở lại đây do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong đời sống hàng ngày.
Mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng là việc biểu hiện rõ ở việc trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc mục đích khác trái pháp luật.
Theo đó, hầu hết các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này.
Hành vi mua, bán tài khoản ngân hàng nhằm mục đích trục lợi hoặc để thực hiện các hành vi lừa đảo được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
2. Mức phạt hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng thế nào?
Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả để lại, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
2.1 Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng như sau:
- Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 - dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
2.2 Xử lý hình sự
Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể mức phạt đối với tội này như sau:
Hình phạt chính:
- Khung 01:
Phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với trường hợp thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác:
- Với số lượng từ 20 - dưới 50 tài khoản; hoặc
- Thu lợi bất chính từ 20 - dưới 50 triệu đồng.
- Khung 02:
Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 - dưới 200 tài khoản;
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Thu lợi bất chính từ 50 - dưới 200 triệu đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 03:
Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
- Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là giải đáp về Tội mua bán tài khoản ngân hàng và mức phạt mới nhất 2023. Nếu còn vướng mắc về các vấn đề liên quan, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ.