Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xôn xao vụ “hotgirl” bị tố giả làm đám cưới lừa 17 tỷ đồng. Dưới góc độ pháp lý, nhiều người không khỏi thắc mắc vậy trường hợp lừa đến 17 tỷ đồng sẽ phải chịu mức phạt thế nào?
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Trường hợp nào bị đi tù?
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa người khác để mưu lợi, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người lừa đảo sẽ thực hiện các thủ đoạn gian dối để giấu giếm nội dung không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin tưởng là thật mà giao tiền, tài sản cho các đối tượng lừa đảo.
Hiện nay đã xuất hiện một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến khiến nhiều người mắc bẫy như:
- Lừa đảo qua mạng: Tuyển cộng tác viên shopee trên Facebook, Zalo; tuyển người like, thả tim Tiktok...
- Lừa đảo qua điện thoại: Gọi điện giả làm Công an, kiểm sát viên, người của ngân hàng... yêu cầu chuyển tiền nộp phạt; gửi tin nhắn tuyển người làm việc nhẹ, lương cao...
- Lừa đảo qua app: Lừa đảo app vay tiền online trá hình cho vay nặng lãi; lừa tải app làm nhiệm vụ nhận hoa ....
Không chỉ thế, thời gian gần đây xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi khác như: Giả làm lễ cưới, tổ chức sinh nhật,... để lừa tiền...
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền tài sản của người khác và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cũng như hậu quả hành vi đó gây ra. Trong đó, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị xử lý hình về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
- Đã bị phạt hành chính trước đó nay lại tái phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Như vậy, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 02 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp trên thì có thể bị xử lý hình sự Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo chiếm đoạt 17 tỷ đồng, bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hình phạt áp dụng với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:
- Khung 01:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm trong trường hợp:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định.
- Khung 02:
Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa cơ quan, tổ chức;…
- Khung 03:
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Khung 04:
Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, đối chiếu với các mức phạt nêu trên, trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 17 tỷ đồng có thể bị phạt tù từ 12 - 10 năm hoặc tù chung thân thuộc khung hình phạt thứ 04 nêu trên.
Trên đây là giải đáp về Lừa 17 tỷ phạt bao nhiêu năm tù? Nếu còn vấn đề vướng mắc liên quan đến vấn đề lừa đảo, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.