Người khuyết tật có được thi bằng lái xe máy không?

Người khuyết tật có được thi bằng lái xe máy không là thắc mắc của không ít người? Cùng theo dõi câu trả lời tại bài viết ngay sau đây.

1. Người khuyết tật là gì?

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một/nhiều bộ phận cơ thể/bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12).

Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về các dạng khuyết tật gồm:

- Khuyết tật vận động;

- Khuyết tật nghe, nói;

- Khuyết tật nhìn;

- Khuyết tật thần kinh, tâm thần;

- Khuyết tật trí tuệ;

- Khuyết tật khác.

Theo đó, mức độ khuyết tật được chia thành: Đặc biệt nặng, nặng, nhẹ. Cụ thể, Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định:

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

2. Người khuyết tật có được thi bằng lái xe máy không?

Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ( hay còn gọi là xe máy) ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1 tức là người khuyết tật được thi bằng lái xe máy.

Người lái xe phải có sức khoẻ phù hợp với loại xe, công dụng của xe (khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008, người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Người khuyết tật có được thi bằng lái xe máy không
Người khuyết tật có được thi bằng lái xe máy không? (Ảnh minh họa)

Căn cứ theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe tại Phụ lục I Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau thì không đủ điều kiện để lái xe hạng A1:

- Đang rối loạn tâm thần cấp.

- Rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi.

- Liệt vận động từ hai chi trở lên.

- Thị lực nhìn xa hai mắt: <4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

- Nếu còn một mắt, thị lực <4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

- Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây.

- Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).

- Sử dụng các chất ma túy.

- Sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.

Theo đó, các dạng tật có thể đăng ký thi bằng lái xe hạng A1 gồm:

- Người bị liệt vận động 01 tay hoặc 01 chân, các tay, chân còn lại không mất chức năng vận động;

- Người cụt/mất chức năng 01 tay hoặc chân và các tay, chân còn lại nguyên vẹn;

- Người khiếm thính (người điếc).

3. Người khuyết tật được thi bằng lái ô tô không?

Người khuyết tật được thi bằng lái ô tô hạng B1 số tự động đối với ô tô dùng cho người khuyết tật.

Điểm c khoản 5 Điều 16 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định, hạng B1 số tự động được cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển xe ô tô dùng cho người khuyết tật.

Theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe tại Phụ lục I Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau thì không đủ điều kiện để lái xe hạng B1:

- Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 06 tháng.

- Rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi.

- Động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị).

- Liệt vận động từ hai chi trở lên.

- Hội chứng ngoại tháp.

- Rối loạn cảm giác sâu.

- Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý.

- Thị lực nhìn xa hai mắt: < 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

- Nếu còn một mắt, thị lực <5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

- Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây.

- Song thị kể cả có điều chỉnh bằng lăng kính.

- Block nhĩ thất độ II hoặc có nhịp chậm kèm theo các triệu chứng lâm sàng (kể cả đã được điều trị nhưng không ổn định).

- Suy tim độ III trở lên (theo phân loại của Hiệp hội tim mạch New York - NYHA).

- Các bệnh, tật gây khó thở mức độ III trở lên (theo phân loại mMRC).

- Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).

- Sử dụng các chất ma túy.

- Sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.

Theo khoản 2 Điều 43 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT và tương tự với trường hợp người khuyết tật thi bằng lái xe máy thì các dạng tật có thể đăng ký thi bằng lái xe hạng B1 có thể kể đến:

- Người bị liệt vận động bàn chân phải hoặc bàn tay phải/trái, các tay, chân còn lại không mất chức năng vận động;

- Người cụt/mất chức năng bàn chân phải hoặc bàn tay phải/trái và các tay, chân còn lại nguyên vẹn;

- Người khiếm thính (người điếc).

Trên đây là giải đáp về vấn đề người khuyết tật có được thi bằng lái xe máy không, nếu có thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được tư vấn miễn phí.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục