Không biết chữ có thi bằng lái xe máy được không?

Không biết chữ có thi bằng lái xe máy được không là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra. Bởi để được cấp bằng lái, người dân phải qua được kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành. 

1. Không biết chữ có thi bằng lái xe máy được không?

khong-biet-chu-co-thi-bang-lai-xe-may-duoc-khong

Hiện nay, pháp luật không có quy định nào về việc hạn chế người không biết chữ không được thi bằng lái xe A1. Tuy nhiên, để được cấp bằng lái, người dân phải qua được kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành.

Trong đó, để trả lời được các câu hỏi về lý thuyết, người dự thi buộc phải biết đọc và biết viết bao gồm các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hành cấp cứu tai nạn giao thông...

Như vậy, trường hợp không biết chữ, người dân có thể sử dụng các loại xe dưới 50cc. Đây là loại xe mà không yêu cầu bắt buộc người lái phải có giấy phép theo luật định.

2. Trường hợp nào người không biết chữ vẫn được thi bằng lái?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ được đào thi bằng lái xe theo quy trình phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.

Cụ thể:

“Đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt: Sở Giao thông vận tải xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.”

Lưu ý: Việc thi phải theo quy trình do Sở giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định.

Theo đó, đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết, Sở giao thông vận tải sẽ căn cứ vào quy trình sát hạch theo quy định để tiến hành xây dựng nội dung và phương án tổ chức sát hạch sao cho phù hợp (Căn cứ khoản 4 Điều 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT).

Lưu ý: Việc thi phải theo quy trình do Sở giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xem xét và quyết định.

3. Người dân tộc thiểu số không biết chữ sẽ được học bằng lái thế nào?

Căn cứ khoản 25 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, việc đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đối với người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt được quy định như sau:

(1) Điều kiện đối với Trung tâm đào tạo sát hạch: Lớp học cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết phải được giảng dạy riêng và có người phiên dịch hoặc giáo viên biết tiếng đồng bào dân tộc.

(2) Phương pháp đào tạo:

  • Có hình ảnh trực quan.

  • Tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, mô hình, sa hình.

  • Kỹ năng xử lý tình huống giao thông đường bộ.

  • Bộ hỏi - đáp và thực hành mẫu để thực hiện nội dung đào tạo lái xe.

(3) Thời gian đào tạo:

  • Lý thuyết: 10 tiếng.

  • Thực hành lái xe: 2 tiếng.

Các học viên phải hoàn thành các chuyên đề: pháp luật giao thông đường bộ; kỹ thuật lái xe; thực hành lái xe. Theo đó, giáo trình, giáo án phải được Bộ Giao thông vận tải ban hành và có sự điều chỉnh phù hợp với khả năng tiếp nhận của học viên.

4. Quy trình thi bằng lái xe đối với người không biết chữ

Ho-so-thi-bang-lai-xe-doi-voi-nguoi-khong-biet-chu
Hồ sơ thi bằng lái xe máy với người không biết chữ (Ảnh minh họa)

4.1 Hồ sơ cần chuẩn bị 

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, hồ sơ cần chuẩn bị đối với người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt gồm:

- Chứng minh nhân dân/thẻ Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn.

- Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

- Giấy xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú. (giấy xác nhận có giá trị thời hạn 01 năm kể từ ngày ký xác nhận).

Sau khi hoàn thành hồ sơ, người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết sẽ nộp trực tiếp hồ sơ tại cơ sở đào tạo. Sau khi nộp hồ sơ, quy trình tiếp nhận được diễn ra như sau:

Bước 1: Cơ quan quản lý sát hạch tiếp nhận báo cáo đăng ký sát hạch cấp bằng lái A1 do cơ sở đào tạo gửi

Bước 2: Kiểm tra lại hồ sơ và điều kiện của người dự sát hạch.

Theo đó, cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện việc kiểm tra, duyệt hồ sơ của người dự thi. Bên cạnh đó cũng phối hợp với cơ sở đào tạo lập biên bản kiểm tra hồ sơ theo quy định.

Trong thời gian 03 ngày làm việc, Sở Giao thông vận tải sẽ chuyển văn bản lấy ý kiến về trình độ văn hóa của người dân tộc thiểu số đến UBND xã nơi người dân cư trú.

Thời hạn lấy ý kiến: không quá 15 ngày kể từ ngày Sở Giao thông vận tải có văn bản.

Theo đó:

- Trong 15 ngày kể từ ngày lấy ý kiến: nếu nhận được văn bản của UBND cấp xã sẽ đưa thí sinh vào danh sách được phép dự thi sát hạch đối với đối tượng những người không biết chữ.

- Quá 15 ngày kể từ ngày lấy ý kiến:

Trường hợp chưa nhận được văn bản xác nhận: thí sinh sẽ không được phép dự thi.

Trường hợp nhận được văn bản nhưng lại sau 15 ngày: đưa thí sinh vào danh sách được thi trong kỳ sát hạch kế tiếp gần nhất cùng với các thí sinh có chung điều kiện dự thi.

Bước 3: Thành lập Tổ sát hạch

Căn cứ theo danh sách thí sinh dự sát hạch hợp lệ, Sở Giao thông vận tải sẽ ban hành quyết định mở kỳ thi và thành lập Tổ sát hạch.

4.2 Tham gia kỳ thi sát hạch 

Theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, quy trình thi bằng lái xe với dân tộc thiểu số không biết chữ như sau:

Hình thức: Thi hỏi đáp, điền kết quả trắc nghiệm lên giấy.

Thời gian: 30 phút.

Bước 1: Thí sinh chọn 01 đề ngẫu nhiên trong bộ đề sát hạch.

Bước 2: Sẽ có 02 sát hạch viên thực hiện việc việc sát hạch lần lượt đối với từng thí sinh, trong đó:

- 01 sát hạch viên đọc câu hỏi và quan sát thí sinh.

- 01 sát hạch viên thực hiện việc đánh dấu (x) vào ô tương ứng mà thí sinh chọn trên bài sát hạch lý thuyết.

Theo đó, việc sát hạch sẽ được thực hiện thông qua người phiên dịch. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm thuê người phiên dịch, dịch đúng và đủ câu hỏi của sát hạch viên cùng câu trả lời của thí sinh.

Bước 3: Sát hạch viên sẽ thực hiện việc chấm điểm tại chỗ, làm biên bản tổng hợp kết quả và thông báo kết quả sát hạch cho thí sinh.

Bước 4: Thí sinh ký tên/điểm chỉ tại vị trí ký tên trong bài thi sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch.

Trên đây là giải đáp cho vấn đề không biết chữ có thi bằng lái xe máy được không?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng, có được bồi thường?

Xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng, có được bồi thường?

Xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng, có được bồi thường?

Tạm giữ xe là một trong những biện pháp cưỡng chế xử phạt thường được áp dụng khi người tham gia giao thông vi phạm lỗi. Tuy nhiên, sau khi nộp phạt và nhận xe về, nếu phát hiện xe đang tạm giữ bị mất phụ tùng có được bồi thường hay không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.