Phải được công nhận là hộ cận nghèo thì mới được hưởng hỗ trợ, theo đó, hộ cận nghèo có sổ không và được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ gì?
- 1. Hộ cận nghèo có sổ không?
- 2. Hộ cận nghèo được hỗ trợ bao nhiêu tiền một tháng?
- 3. Hộ cận nghèo có được hưởng bảo hiểm y tế?
- 4. Hộ cận nghèo có được miễn, giảm học phí?
- 4.1. Miễn học phí với hộ cận nghèo
- 4.2. Giảm học phí với hộ cận nghèo
- 5. Hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở với hộ cận nghèo
- 6. Hộ cận nghèo có được giảm tiền điện không?
1. Hộ cận nghèo có sổ không?
Theo quy định, hộ cận nghèo không được cấp sổ mà được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg.
Căn cứ khoản 6 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Quyết định 24/2021/QĐ-TTG thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ quyết định công nhận danh sách hộ cận nghèo theo Mẫu số 02 và cấp Giấy chứng nhận cho hộ cận nghèo theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 như sau:
- Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
- Hộ cận nghèo ở khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Như vậy, hộ cận nghèo sẽ được cấp Giấy chứng nhận hộ cận nghèo.
2. Hộ cận nghèo được hỗ trợ bao nhiêu tiền một tháng?
Trong một số trường hợp, người thuộc hộ cận nghèo sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cụ thể, theo khoản 4, điểm b khoản 5, khoản 7 Điều 5, điểm d, đ, g khoản 1 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP:
Stt | Đối tượng | Mức hưởng |
1 | Người thuộc diện hộ cận nghèo chưa có chồng/chưa có vợ; đã có chồng/vợ nhưng đã chết/mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi/từ 16 - 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất | 360.000 đồng/tháng/con |
2 | Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi - 80 tuổi thuộc diện hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Trừ trường hợp người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng | 360.000 đồng/tháng |
3 | Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn và không thuộc đối tượng sau:
| 540.000 đồng/tháng |
3. Hộ cận nghèo có được hưởng bảo hiểm y tế?
Hộ cận nghèo thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đong bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo như sau:
- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại.
4. Hộ cận nghèo có được miễn, giảm học phí?
4.1. Miễn học phí với hộ cận nghèo
Theo khoản 12 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về việc miễn học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
4.2. Giảm học phí với hộ cận nghèo
Theo điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định giảm 50% học phí với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở với hộ cận nghèo
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 20/2021/NĐ-CP:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40 triệu đồng/hộ.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20 triệu đồng/hộ.
6. Hộ cận nghèo có được giảm tiền điện không?
Điều 1 Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg quy định hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện là hộ có một trong những tiêu chí sau:
- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới;
- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới;
- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.
Theo đó, hộ cận nghèo có một trong những tiêu chí trên sẽ được hỗ trợ tiền điện.
7. Hộ cận nghèo có được vay vốn không?
Theo Mục 1 Công văn 866/NHCS-TDNN ngày 22/02/2019 thì hộ cận nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
8. Hộ cận nghèo có được trợ giúp pháp lý?
Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí, không phải trả tiền, lợi ích vật chất hay bất kỳ lợi ích nào khác (theo khoản 6 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).
Trên đây là giải đáp về vấn đề hộ cận nghèo có sổ không và được hưởng những chính sách gì, nếu có thắc mắc, độc giả vui lòng gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được giải đáp.