Chính sách hỗ trợ giáo dục đối với người khuyết tật

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Con tôi có xác nhận của chính quyền địa phương là người khuyết tật. Khả năng vận động và trí não của cháu không được nhanh nhạy như người bình thường. Phải mất 3 năm cháu mới tốt nghiệp được lớp 1 nhưng nhà trường thông báo sẽ không được ghi vào học bạ cũng như sẽ không có học bạ. Hiện nay cháu đang học lớp 2 nhưng nhà trường đang có ý không cho cháu học nữa mà đề nghị gia đình tôi làm thủ tục chuyển trường. Vậy, việc nhà trường đề nghị gia đình tôi như vậy có đúng hay không? Nếu con tôi là học sinh khuyết tật thì có được giảng dạy bằng một giáo trình khác dễ hơn những học sinh khác không? Nếu cháu đã được đi học và lên lớp thì có được cấp học bạ, bảng điểm chứng minh mình đã tốt nghiệp lớp này, cấp này hay không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Việc giáo dục hòa nhập giữa người khuyết tật và học sinh bình thường đang được khuyến khích thực hiện. Theo đó, căn cứ theo Điều 5 Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật về “Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập” như sau:

“1. Phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục.

2. Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào Điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học.

[...]”

Theo đó, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tiếp nhận người khuyết tật tại cơ sở giáo dục theo nguyện vọng của gia đình và bản thân người khuyết tật mà không được quyền từ chối.

Vì vậy, việc nhà trường có ý định không cho con bạn (là trẻ em khuyết tật có xác nhận của chính quyền địa phương) theo học nữa và đề nghị gia đình chuyển trường cho cháu là không đúng quy định trên.

Về việc giảng dạy đối với học sinh khuyết tật, bên cạnh việc ưu tiên nhập học và tuyển sinh, người khuyết tật còn được miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục.

Cụ thể, tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giao dục đối với người khuyết tật quy định như sau:

“Người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập học theo chương trình giáo dục chung. Trường hợp người khuyết tật không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân”.

“Đối với người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, kết quả giáo dục môn học hoặc hoạt động giáo dục mà người khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà người khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung được đánh giá theo kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân; không đánh giá những nội dung môn học, môn học hoặc nội dung giáo dục được miễn”.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng rất tạo điều kiện cho những người khuyết tật bằng việc xây dựng các phương thức giáo dục chuyên biệt ở cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc lớp chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục đối với từng dạng khuyết tật cụ thể.

Do đó, nếu con bạn gặp nhiều khó khan trong việc theo học phương thức giáo dục hòa nhập, bạn có thể cân nhắc chuyển con sang học phương thức giáo dục chuyên biệt để phù hợp hơn với hoàn cảnh và năng lực của trẻ.

Về việc cấp học bạ, bảng điểm chứng minh mình đã tốt nghiệp lớp hoặc cấp giáo dục đối với học sinh là người khuyết tật được diễn ra bình thường như những học sinh khác theo Điều 5 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giao dục đối với người khuyết tật.

Cụ thể: đối với cấp giáo dục phổ thông, người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp căn cứ kết quả học tập các môn học, hoạt động giáo dục của người khuyết tật để xét lên lớp hoặc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung để xét lên lớp hoặc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Xem thêmTổng hợp 5 chế độ cho học sinh khuyết tật (mới nhất)

 

Nguyễn Văn Tuấn

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty Luật TNHH TGS

https://tgslaw.vn- 1900.8698

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi