[Tổng hợp] 8 căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, đây là giai đoạn cơ quan có thẩm quyền xem xét có hay không có dấu hiệu tội phạm để thực hiện khởi tố. Hiện nay, có 8 căn cứ không khởi tố được quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự

Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự

Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 sửa đổi năm 2021, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự khi có 01 trong các căn cứ sau:

- Không có sự việc phạm tội;

- Hành vi không cấu thành tội phạm;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tội phạm đã được đại xá;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Cụ thể:

- Không có sự việc phạm tội: Có thể là thông tin về tội phạm không chính xác; không có sự việc xảy ra theo như thông tin mà các cơ quan thẩm quyền tiến hành việc tố tụng tiếp nhận hoặc có sự việc xảy ra nhưng sự việc đó không có dấu hiệu của tội phạm.

- Hành vi không cấu thành tội phạm: Là khi hành vi đó không thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của 01 cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS).

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự: 

Hiện nay, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên đối với mọi tội phạm.

Còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội: Giết người, cố ý gây thương tích/gây tổn hại sức khỏe người khác, tội hiếp dâm, hiếp dâm người 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và một số tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật: 

Theo nguyên tắc không ai bị kết án 02 lần vì 01 tội phạm, do vậy các cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, khi đã xác định được người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp họ thực hiện một hành vi khác mà luật hình sự coi là tội phạm.

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền được tiến hành các hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Sau khi khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27). Việc xác định được đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quan trọng trong việc khởi tố vụ án hình sự.

- Tội phạm đã được đại xá: 

Đại xá là một biện pháp khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Quốc hội quyết định mà nội dung là tha hoàn toàn đối với hàng loạt người phạm tội đã phạm 01 hoặc 01 số loại tội phạm nhất định.

Văn bản đại xá thường được ban hành khi có sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước và có hiệu lực đối với những tội phạm xảy ra trước và khi văn bản đại xá đó được ban hành. Tội phạm đã được đại xá là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác: 

Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm răn đe, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật nhằm ngăn ngừa họ phạm tội mới. Tuy nhiên, mục đích này chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống.

Do vậy, nếu xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố: 

Theo Điều 155 BLTTHS, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Theo đó, nếu bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người < 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết mà không yêu cầu khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự.

Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự
Cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (Ảnh minh họa)

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự

Căn cứ theo Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như sau:

- Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:

+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

- Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về 8 căn cứ không được khởi tố tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

[Tổng hợp] Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015

[Tổng hợp] Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015

[Tổng hợp] Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015

Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được xem là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định mức phạt cụ thể tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Vậy Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào?