Mức phạt tại Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ

Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ được hiểu là hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ, được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

1. Mức phạt tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

* Khung 1:

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ tới 03 năm hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ thương tích ≥ 61%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ≥ 02 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 – dưới 500 triệu đồng.

* Khung 2:

Phạt tù từ 03 – 10 năm khi lái xe mà mà vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

- Không có bằng lái xe;

- Lái trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà máu/hơi thở vượt quá mức quy định về nồng độ cồn, hoặc sử dụng ma túy, các chất kích thích mạnh khác;

- Cố tình bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc thấy người bị nạn mà cố ý không cứu giúp;

- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển, hướng dẫn giao thông;

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích/ tổn hại cho sức khỏe của >02 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng – dưới 1,5 tỷ đồng.

* Khung 3:

Phạt tù từ 07 - 15 năm khi lái xe mà mà vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

* Vi phạm trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả:

Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khung 1, khung 2, khung 3 mà không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm.

* Hình phạt bổ sung: Bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Điều 260 Bộ luật Hình sự

2. Cấu thành tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

2.1 Khách thể

Khách thể của tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ là những quy định về an toàn giao thông đường bộ là không thực hiện đúng, đầy đủ những quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

2.2 Mặt khách quan

Được thể hiện bằng những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ: Hành vi điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu; đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng; vượt đèn đỏ,…

Hậu quả là gây ra tai nạn giao thông, thiệt hại về tài sản, sức khoẻ và tính mạng của người tham gia giao thông.

Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ nếu như hậu quả thiệt hại là do hành vi vi phạm của họ gây ra, hay nói cách khác là giữa hậu quả và hành vi vi phạm của người đó có quan hệ nhân quả với nhau.

2.3 Chủ thể

Chủ thể của tội này là những người tham gia giao thông đường bộ. Theo khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người tham gia giao thông đường bộ bao gồm:

- Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ

- Người điều khiển, dẫn dắt súc vật

- Người đi bộ trên đường bộ

2.4 Mặt chủ quan

Tội vi phạm về an toàn giao thông đường bộ được thực hiện dưới hình thức: Lỗi cố ý và lỗi vô ý

  • Lỗi vô ý gồm: Vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả bởi nhiều người tham gia giao thông không nhận thức được sự nguy hiểm bởi hành vi mà họ thực hiện.
  • Lỗi cố ý gồm:

Nhận thức rõ hành vi vi phạm gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt cho người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện (thể hiện ở các hành vi lạng lách, đánh võng…)

Không mong muốn gây ra nhưng khi xảy ra tai nạn lại để mặc cho thiệt hại xảy ra

3. Hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường bộ từ 01/01/2025

Theo quy định tại Điều 9 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ 01/01/2025, các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường bộ gồm

(1) Điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, xe máy chuyên dùng không có giấy phép lái xe hoặc các chứng chỉ khác theo quy định;

(2) Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

(3) Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có ma túy hoặc các loại chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng.

(4) Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

(5) Đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục.

(6) Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại/thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

(7) Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

(8) Tham gia giao thông đường bộ bằng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng hoặc các phương tiện khác không bảo đảm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

(9) Nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm quy định của pháp luật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

(10) Cải tạo xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người, trừ cải tạo thành xe ô tô chở người phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

(11) Cải tạo trái phép; cố ý can thiệp làm sai lệch chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô; cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

(12) Cố ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe, động cơ của xe đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định; thuê, mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định.

(13) Chở hàng hóa vượt quá khối lượng, tải trọng trục, kích thước cho phép của xe hoặc vượt quá tải trọng, kích thước giới hạn khi chưa được cấp phép hoặc không bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024; chở hàng hóa trên xe có quy định phải chằng buộc nhưng không thực hiện hoặc làm sai quy định; chở quá số người quy định.

(14) Vận chuyển hàng hóa cấm lưu hành, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã.

(15) Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; đe doạ, cưỡng ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người theo quy định của pháp luật.

(16) Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

(17) Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe; điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gắn biển số xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gắn biển số xe không đúng vị trí; bẻ cong, che lấp biển số xe; làm thay đổi chữ, số, màu sắc, hình dạng, kích thước của biển số xe.

(18) Làm gián đoạn hoạt động hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.

(19) Hủy hoại, làm hư hỏng, làm mất tác dụng thiết bị điều khiển, giám sát giao thông đường bộ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.

(20) Đặt, để chướng ngại vật, vật cản khác trái phép trên đường bộ; rải vật sắc nhọn, đổ chất gây trơn trượt trên đường bộ; làm rơi vãi đất đá, hàng hóa, vật liệu xây dựng, phế thải trên đường bộ; đổ, xả thải, làm rơi vãi hóa chất, chất thải gây mất an toàn giao thông đường bộ.

(21) Cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ; ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.

(22) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(23) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

(24) Sử dụng quyền của xe ưu tiên khi không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định của pháp luật.

(25) Không khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đúng sự thật để trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

(26) Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; có điều kiện cứu giúp mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông đường bộ để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông đường bộ.

(27) Điều khiển các vật thể bay, tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động trên đường bộ gây cản trở hoặc có nguy cơ gây mất cho người khác.

(28) Các hành vi vi phạm khác được quy định tại Chương II của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.

Trên đây là giải đáp về Mức phạt tại Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?

Tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?

Tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?

Hiện nay, tổ chức tài chính vi mô đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo ở Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia đang phát triển khác. Vậy tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?