Sắp giải thể công đoàn cơ sở trường học, bệnh viện, có đúng không?
Tại Công văn 316-CV/ĐĐTLĐ ngày 10/12/2024, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo về việc sắp xếp tổ chức bộ máy liên đoàn lao động tỉnh, thành phố.
Theo đó, chưa thực hiện sắp xếp, giải thể đối với các công đoàn ngành địa phương đang thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc, tập trung, xuyên suốt, hiệu quả theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, gồm các công đoàn ngành tại các địa phương sau:
Công đoàn ngành công thương (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Hải Phòng; tỉnh Tiền Giang, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh);
Công đoàn ngành giáo dục (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Nghệ An, tỉnh Bình Dương);
Công đoàn ngành y tế (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Dương);
Công đoàn dệt may (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương).
Giải thể tất cả công đoàn ngành địa phương và tương đương khác (bao gồm cả công đoàn ngành giáo dục, công đoàn ngành y tế, công đoàn ngành công thương tại các địa phương không thực hiện thí điểm).
Thành lập Công đoàn Khối đảng và Công đoàn Khối chính quyền trực thuộc liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý các công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn những đơn vị giải thể.
Như vậy, hầu hết các ông đoàn cơ sở tại trường học, bệnh viện sẽ bị giải thể, chỉ giữ lại các công đoàn ngành địa phương đang thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp công đoàn theo Nghị quyết số 02-NQ/TW.
Ngoài ra, do tính chất và vị trí quan trọng của công đoàn khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong tình hình mới, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các tỉnh ủy, thành ủy giữ nguyên mô hình đối với công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao mà không thuộc diện giải thể hay sáp nhập, hợp nhất.

5 điểm mới tại Luật Công đoàn có hiệu lực từ 01/7/2025
- Lao động người nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam
So với quy định cũ thì Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quy định lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
- Quy định chặt chẽ về gia nhập công đoàn tại doanh nghiệp
Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Theo đó, tại Điều 6 Luật Công đoàn 2024 đã quy định các điều kiện chặt chẽ về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.
- Duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%
Tại Điều 29 Luật Công đoàn 2024 quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng là 2%.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chăm lo tốt hơn cho người lao động.
- Miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn
Đây là nội dung mới được bổ sung tại khoản 2 Điều 30 Luật Công đoàn 2024, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn thì được giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
- Bổ sung quy định về việc giám sát của Công đoàn
Tại Điều 16 Luật Công đoàn 2024 bổ sung quy định về hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn. Theo đó, có 04 hình thức thực hiện giám sát:
- Nghiên cứu, xem xét văn bản, báo cáo của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát;
- Thông qua đối thoại với người sử dụng lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;
- Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước;
- Tổ chức đoàn giám sát.