Quy trình khởi tố vụ án hình sự thực hiện thế nào?

Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tố tụng hình sự, vậy quy trình khởi tố vụ án hình sự được thực hiện thế nào?

Khởi tố vụ án hình sự là gì?

Có thể hiểu rằng, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của hoạt động tố tụng hình sự. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng điều tra, xác minh xem có hay không có dấu hiệu của tội phạm, sau đó ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm.

Nói cách khác, nếu không có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

quy trinh khoi to vu an hinh su
Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tố tụng hình sự (Ảnh minh họa)

Quy trình khởi tố vụ án được thực hiện thế nào?

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự, quy trình khởi tố vụ án hình sự được thực hiện như sau:

Bước 01: Tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Tiếp nhận tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố là bước đầu để xác định dấu hiệu tội phạm. Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự, căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm gồm:

- Tố giác của cá nhân;

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

- Người phạm tội tự thú.

Trong đó:

- Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là những cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận mọi tin tức về tội phạm xảy ra trên địa bản của mình. Trường hợp tố giác có thể không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì không được từ chối mà phải tiếp nhận rồi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. 

Bước 02: Kiểm tra, xác minh các tin tức về tội phạm

Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã nêu rõ, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm. Do đó, sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác định xem có hay không dấu hiệu của tội phạm. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

- Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

- Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục

Về thời hạn giải quyết:

Căn cứ theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC:

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh

- Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

- Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

- Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Bước 03: Ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự

Sau khi đã tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm đã xác định có dấu hiệu của tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền khởi tố trong phạm vi trách nhiệm của mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. 

Trong quyết định khởi tố phải ghi rõ các căn cứ pháp lý để quyết định khởi tố vụ án, viện dẫn các văn bản, tài liệu cho căn cứ này và ghi rõ tội danh, điều khoản bộ luật hình sự được áp dụng làm cơ sở cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. 

Trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do.

Trên đây là giải đáp về Quy trình khởi tố vụ án hình sự. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Nhận được cuộc gọi đe dọa "khóa thuê bao điện thoại": Cần làm gì?

Nhận được cuộc gọi đe dọa

Nhận được cuộc gọi đe dọa "khóa thuê bao điện thoại": Cần làm gì?

Gọi điện đe dọa khóa thuê bao điện thoại là một chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Không ít người đã bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội và cả tiền trong các ví điện tử chỉ với một cuộc điện thoại giả mạo.

Khi nào ra quyết định khởi tố vụ án hình sự? Mẫu quyết định khởi tố vụ án

Khi nào ra quyết định khởi tố vụ án hình sự? Mẫu quyết định khởi tố vụ án

Khi nào ra quyết định khởi tố vụ án hình sự? Mẫu quyết định khởi tố vụ án

Quyết định khởi tố vụ án hình sự là một trong những văn bản quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự. Vậy, quyết định khởi tố vụ án hình sự có những nội dung gì? Do ai ban hành? Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này.