1. An toàn thực phẩm là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật An toàn thực phẩm 2010, an toàn thực phẩm là việc đảm bảo để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng của con người.
An toàn thực phẩm phải đảm bảo nguyên tắc sau:
-
Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
-
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
-
Quản lý an toàn thực phẩm dựa theo cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do cá nhân, tổ chức sản xuất công bố áp dụng.
-
Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
-
Quản lý an toàn thực phẩm phải đảm bảo phân cấp, phân công rõ ràng và phối hợp liên ngành.
-
Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.
2. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm
Điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm là hàng hóa phải đáp ứng quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm gây hại đến con người.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, pháp luật quy định các danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo đó, các danh mục này bao gồm:
Danh mục các mặt hàng nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo Quyết định 1182/QĐ-BCT 2021.
Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu việt nam phục vụ cho kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu ban hành kèm Thông tư 28/2021/TT-BYT.
Danh mục sản phẩm hàng hóa được giao kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu được ban hành kèm Quyết định số 1059/QĐ-BYT.
3. Thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BYT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 17/2023/TT-BYT) quy định các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm:
-
Cục An toàn thực phẩm;
-
Sở Y tế, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm;
-
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Y tế, Trung tâm Y tế hoặc Cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn;
-
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn , Trạm Y tế xã.
Đồng thời theo quy định tại Điều 15 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu gồm:
-
Cơ quan được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Công Thương giao, chỉ định.
-
Nếu lô hàng nhập khẩu có nhiều loại thực phẩm thuộc quản lý của nhiều bộ thì cơ quan kiểm tra là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, chỉ định.
4. Nguyên tắc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Điều 3 Thông tư 48/2015/TT-BYT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 17/2023/TT-BYT), nguyên tắc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được quy định như sau:
Một là, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tuân thủ nguyên tắc sau:
-
Khách quan, chính xác, công khai và minh bạch, không phân biệt đối xử;
-
Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết quả chính thức;
-
Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
-
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, các kết luận có liên quan.
Hai là, không chồng chéo về đối tượng, địa bàn, nội dung và thời gian kiểm tra. Nếu có sự trùng lặp về kiểm tra của cơ quan an toàn thực phẩm cấp dưới và kiểm tra của cơ quan cấp trên, giữa các ngành, các cấp thì xử lý theo thứ tự như sau:
-
Kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với cấp trên thì thực hiện theo quyết định của cơ quan cấp trên;
-
Kiểm tra liên ngành trùng với kiểm tra của một ngành thì thực hiện theo kiểm tra liên ngành;
-
Kiểm tra của cơ quan trực tiếp quản lý sản phẩm theo nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý trùng với kiểm tra của cơ quan khác thì cơ quan trực tiếp quản lý thực hiện kiểm tra.