Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, phần lớn chúng ta đều sẽ mắc một căn bệnh cấp tính nào đó. Vậy bệnh cấp tính là gì? Dưới đây là những điều cơ bản cần biết về bệnh cấp tính.
- 1. Bệnh cấp tính là gì? Sự khác nhau giữa bệnh cấp tính và bệnh mạn tính
- 1.1 Bệnh cấp tính là gì?
- 1.2 Sự khác nhau giữa bệnh cấp tính và bệnh mạn tính
- 2. Mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính
- 2.1 Bệnh cấp tính nhẹ
- 2.2 Bệnh cấp tính nặng
- 3. Những thói quen sống giúp phòng ngừa bệnh cấp tính
- 4. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi một số bệnh cấp tính của Bộ Y tế
1. Bệnh cấp tính là gì? Sự khác nhau giữa bệnh cấp tính và bệnh mạn tính
1.1 Bệnh cấp tính là gì?
Bệnh cấp tính là tình trạng bệnh thường phát triển đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn, thường chỉ vài ngày hoặc vài tuần.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi-rút Corona gây nên (Covid-19) đang hoành hành trên toàn cầu gần đây cũng là một loại bệnh cấp tính.
1.2 Sự khác nhau giữa bệnh cấp tính và bệnh mạn tính
Thời gian phát triển bệnh
Trong khi bệnh cấp tính phát triển đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn thì bệnh mạn tính lại phát triển từ từ và có thể xấu đi trong một khoảng thời gian dài, vài tháng đến vài năm.
Nguyên nhân gây bệnh
- Các tình trạng cấp tính thường do vi rút hoặc nhiễm trùng gây ra, nhưng cũng có thể do chấn thương do ngã hoặc tai nạn ô tô, hoặc do sử dụng sai thuốc hoặc dùng thuốc.
- Các tình trạng mạn tính thường do các hành vi không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh: dinh dưỡng kém, hoạt động thể chất không đầy đủ, lạm dụng rượu hoặc hút thuốc. Các yếu tố xã hội, tình cảm, môi trường và di truyền cũng đóng một vai trò nào đó. Khi con người già đi, họ có nhiều khả năng phát triển một hoặc nhiều tình trạng mạn tính.
Trong một số trường hợp khi bệnh cấp tính không được giải quyết triệt để nó có thể trở thành bệnh mạn tính.
Triệu chứng bệnh
- Các bệnh cấp tính phát triển nhanh chóng và kèm theo các triệu chứng riêng biệt cần được chăm sóc khẩn cấp hoặc ngắn hạn, và sẽ tốt hơn khi chúng được điều trị. Ví dụ, gãy xương có thể do ngã phải được bác sĩ điều trị và sẽ được chữa lành kịp thời. Đôi khi, một bệnh cấp tính như cảm lạnh thông thường, sẽ tự khỏi. Hầu hết những người bị bệnh cấp tính sẽ sớm khỏi bệnh.
- Các tình trạng mạn tính phát triển chậm hơn, có thể tiến triển theo thời gian và có thể có dấu hiệu cảnh báo hoặc không có bất kỳ dấu hiệu nào. Các tình trạng mạn tính thường gặp là viêm khớp, bệnh Alzheimer, tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao và bệnh thận mạn tính.
Không giống như tình trạng cấp tính, tình trạng sức khỏe mạn tính thường không thể chữa khỏi mà chỉ được kiểm soát. Sống chung với bệnh mạn tính hoặc kiểm soát các triệu chứng của bệnh mạn tính thường có thể được thực hiện bằng cách tạo một kế hoạch chăm sóc sức khỏe như ăn uống lành mạnh, tập thể dục kết hợp với điều trị.
2. Mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính
Bệnh cấp tính được chia làm 2 mức độ: bệnh cấp tính nhẹ và bệnh cấp tính nặng
2.1 Bệnh cấp tính nhẹ
Các bệnh cấp tính nhẹ là những tình trạng bệnh có thể tự khỏi hoặc dễ được chữa khỏi. Một số bệnh cấp tính nhẹ thường gặp gồm có:
-
Bệnh đường hô hấp: ho, sổ mũi, viêm phế quản,
-
Bệnh hệ tiêu hóa: tiêu chảy, táo bón, nôn mửa, đau bụng…
-
Bệnh hệ thần kinh: chóng mặt, nhức đầu.
2.2 Bệnh cấp tính nặng
Bệnh cấp tính nặng có thể là biểu hiện cấp của một bệnh mạn tính tiềm ẩn như nhồi máu cơ tim hoặc hôn mê do tiểu đường, hoặc sự khởi phát đột ngột của một tình trạng trước đó chưa được chẩn đoán như động kinh hoặc đột quỵ.
Khi gặp tình trạng bệnh cấp tính nặng, bệnh nhân bắt buộc phải được thăm khám, điều trị vì đây là những tình trạng có thể đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân.
3. Những thói quen sống giúp phòng ngừa bệnh cấp tính
Thông thường các tình trạng bệnh cấp tính có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hành các hành vi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như:
- Duy trì hoạt động thể chất;
- Duy trì cân nặng và tình trạng dinh dưỡng hợp lý;
- Hạn chế ra nắng;
- Hạn chế ma túy, hút thuốc và sử dụng rượu quá mức.
Đối với dịch bệnh Covid-19, ngoài việc tiêm vắc-xin nhắc lại theo khuyến cáo của cơ quan y tế, cần tăng cường vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây hoặc dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn). Bên cạnh đó cần đeo khẩu trang thường xuyên nơi công cộng, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng.
4. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi một số bệnh cấp tính của Bộ Y tế
- Quyết định 4487/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi
- Quyết định 250/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19
- Quyết định 1719/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19)
- Công văn 2329/BYT-DP của Bộ Y tế về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân…
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp chúng ta hiểu bệnh cấp tính là gì. Có thể thấy bệnh cấp tính thường xảy ra trong thời gian ngắn nhưng mức độ bệnh đôi khi rất nghiêm trọng. Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ một tình trạng cấp tính nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
Nếu có thắc mắc nào liên quan đến các quy định trong lĩnh vực y tế, vui lòng gọi ngay cho LuatVietnam theo số 1900.6192